Thứ Sáu (19/04/2024)

Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định được quy định trong luật hình sự Việt Nam, đây chính là chế định thể hiện sự nhân đạo trong Bộ luật hình sự. Vậy pháp luật quy định ra sao về vấn đề này?

Loại trừ trách nhiệm hình sự

Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 chính thức có hiệu lực. Bộ luật hình sự mới ra đời tạo nên nhiều bước tiến đáng kể. Trong đó có việc quy định một cách chi tiết thành 1 chương riêng biệt các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự từ Điều 20 đến Điều 26 Bộ luật hình sự 2015. Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự bao gồm:

Sự kiện bất ngờ

Là việc người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Hậu quả của hành vi mang tính khách quan, người thực hiện không thể lường trước được hành vi của mình sẽ gây hậu quả nguy hại cho xã hội. Do vậy việc không truy cứu trách nhiệm hình sự là hành động “chia sẻ rủi ro” của Nhà nước đối với người thực hiện hành vi đó.

Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Pháp luật hình sự không quy định cụ thể thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và các trường hợp trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nó được hiểu là khả năng nhận thức về hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Những người mất khả năng nhận thức tạm thời như sử dụng rượu bia, chất kích thích vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình gây ra theo quy định tại Điều 13. Bởi trước đó họ vẫn có năng lực trách nhiệm hình sự, phải lường trước được hậu quả của việc sử dụng bia rượu, chất kích thích.

Phòng vệ chính đáng

Đây là trường hợp được loại trừ trách nhiệm đã được quy định từ trước, không chỉ được loại trừ trách nhiệm hình sự mà còn được loại trừ trách nhiệm dân sự. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm, và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tình thế cấp thiết

Cũng giống như phòng vệ chính đáng, từ Bộ luật hình sự năm 1999 đã loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Trong trường hợp thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp bất khả kháng, chấp nhận thiệt hại nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn hơn.

Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật trước đây không quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, nó cũng được áp dụng khi yêu cầu nghiệp vụ, tình thế buộc phải thực hiện hành vi.

Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm. Đây là quy định mang tính nhân văn cao, bởi rủi ro là điều không ai mong muốn. Hơn nữa, việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng khoa, kỹ thuật và công nghệ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của xã hội. Do đó không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này. Song người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này người thực hiện hành vi không thể chống lại mệnh lệnh của cấp trên, ý chí không muốn nhưng vẫn phải làm. Do đó, pháp luật bảo vệ họ trong trường hợp này.

Miễn trách nhiệm hình sự

Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định được quy định trong luật hình sự Việt Nam, đây chính là chế định thể hiện sự nhân đạo trong Bộ luật hình sự, việc áp dụng chế định này góp phần đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu phòng ngừa đấu tranh tội phạm, giúp cho người phạm tội có thể được giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy him cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

So với Bộ luật hình sự 1999 thì Bộ luật hình sự 2015 đã có quy định bổ sung về các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:
– Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự.
– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
– Bổ sung tình tiết lập người phạm tội lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
– Bổ sung khoản 3 về những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, quy định của Bộ luật hình sự 2015 đã có quy định cụ thể về 2 chế định là được miễn trách nhiệm hình sự và có thể miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, cơ quan tố tụng bắt buộc phải miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp có thể miễn trách nhiệm hình sự cơ quan tố tụng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tính chất, mức độ của sự việc và đi đến quyết định miễn trách nhiệm hình sự hay không miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Khi thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định bộ luật dân sự hoặc các quy định pháp luật khác liên quan như: buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu, buộc phải bồi thường thiệt hại…

Miễn chấp hành hình phạt

Miễn chấp hành hình phạt áp dụng với những trường hợp người bị kết án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt. Vậy trong trường hợp nào thì người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này. Điều 62 Bộ luật hình sự 2015 quy định về miễn chấp hành hình phạt như sau:

1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt (Khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá 2007).
Đại xá tuy chưa có văn bản điều chỉnh cụ thể nhưng có thể hiểu là sự khoan hồng của Nhà nước do Quốc hội quyết định nhằm tha tội hoàn toàn và triệt để cho một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt người phạm tội nhân sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước.

2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công;
Lập công là trường hợp người chấp hành án có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận (Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC)
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao (Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC)
c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là trường hợp người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua của địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án (Khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC)
Ví dụ: Anh A bị kết án tù 20 tháng vì tội trộm cắp tài sản nhưng chưa thi hành án. Xét thấy hành vi trộm cắp của anh A là bộc phát, do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn: mẹ già yếu, không còn khả năng lao động, vợ bị tâm thần, anh A là lao động chính trong gia đình nên trong trường hợp này, anh A có thể được miễn chấp hành hình phạt.

3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận (Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC)
Ví dụ: Anh A bị phạt tù 04 năm vì tội cố ý gây thương tích nhưng chưa chấp hành hình phạt. Trong thời gian chờ thụ hình, anh A đã cứu sống 02 bé trai khỏi lũ cuốn. Trong trường hợp này, anh A có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nhờ lập công lớn theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát.

4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Ví dụ: Anh A bị phạt 50 triệu đồng vì tội vu khống cho người khác. Anh A đã trả được 20 triệu, tuy nhiên, nhà anh đang hư hỏng nặng do lũ quét, ruộng và gia súc chết do ngập nước. Xét thấy hoàn cảnh kinh tế của anh A đang bị thiệt hại nặng nề, chưa có khả năng khôi phục thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Ví dụ: Anh A bị phạt quản chế 36 tháng do sử dụng trái phép ma túy. Anh A đã chấp hành hình phạt quản chế 18 tháng và cải tạo tốt. Trường hợp này, anh A có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại nếu được Tòa án chấp thuận.

7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan