Thứ Tư (24/04/2024)

Lãi suất tối đa phải trả khi vay tiền, nợ tiền là bao nhiêu?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Cách tính mức lãi suất cho vay khi bên vay chậm trả nợ, chậm thanh toán. Mức lãi xuất nợ quá hạn trung bình trên thị trường

Có vay có trả là thuật ngữ thông thường được nhắc tới trong các quan hệ vay, mượn. Thực tế việc tính lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật được quy định như thế nào? Trong trường hợp hai bên ký hợp đồng đã xác lập một giao dịch dân sự theo điều 116 Bộ luật dân sự 2015

Quy định về lãi suất cho vay tiền năm 2020

Điều 116. Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hành động vay tiền, cũng là một trong các quan hệ giao dịch dân sự theo đó bên vay sẽ có nghĩa vụ theo quy định tại điều 357 và 468 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Xem thêm: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Như vậy, lãi suất cho vay sẽ do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên lãi suất sẽ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu mức lãi suất mà các bên tự thỏa thuận với nhau vượt quá mức 20%/năm của khoản tiền vay thì phần lãi suất vượt quá sẽ không được tính. Đây là quy định mới về lãi suất so với quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005. Trước đây, căn cứ tính lãi suất sẽ theo mức lãi suất  cho vay mà ngân hàng nhà nước quy định, hai bên có thể tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% so với lãi suất mà ngân hàng nhà nước quy định.

Với quy định mới về lãi suất cho vay, hợp đồng vay tài sản, AZLAW xin đưa ra lời khuyên cho quý khách hàng khi vay tiền hoặc cho vay tiền như sau:

  • Việc cho vay phải được lập thành văn bản có thể là giấy tờ viết tay xác nhận của hai bên hoặc đánh máy nhưng phải có đầy đủ các thông tin sau: Thông tin bên vay tiền, thông tin bên cho vay, Số tiền cho vay, lãi suất, thời hạn cho vay. Các bên phải ký xác nhận về các nội dung đó.
  • Về lãi xuất cho vay, các bên nên ghi rõ mức lãi suất mà các bên thỏa thuận vào hợp đồng vay. Để đảm bảo quyền lợi của các bên tránh các tranh chấp về lãi vay. Mức lãi suất cho vay áp dụng từ 1/1/2017 sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu bên cho vay tiền với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng có thể sẽ bị  truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Do vậy khi làm hợp đồng vay tiền, thỏa thuận về lãi suất cho vay các bên cũng phải lưu ý đến điều này.

Lãi suất trong trường hợp là hợp đồng thương mại

Trường hợp giao dịch có sinh lợi, tuỳ vào nội dung hợp đồng việc tính lãi suất chậm trả nợ có thể áp dụng theo quy định tại điều 306 Luật thương mại 2005

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường

Mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường quy định tại điều 306 luật thương mại 2005 được xác định như thế nào? Trước đây không có bất cứ một văn bản nào quy định về mức “lãi suất nợ quá hạn trung bình” tại thời điểm thanh toán tuy nhiên tại án lệ số 09/2016/AL mức lãi suất quá hạn trung bình được tính theo lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nghị quyết 01/2019/NĐ-HĐTP hiệu lực từ ngày 15/03/2019 đã xác định cụ thể và thể hiện bằng văn bản tại điều 11 như sau:

Điều 11. Xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005
Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên, hướng dẫn trên vẫn mang tính chất chung khi chưa xác định rõ, vì trên thực tế lãi suất nợ quá hạn của từng ngân hàng là khác nhau. Việc quy định chung như trên gây khó khăn cho các thẩm phán trong quá trình xét xử.

Hỏi đáp về lãi suất cho vay tiền

Cho vay mức lãi suất trên 20%/năm thì bị xử lý như thế nào?

Trường hợp cho vay có cầm cố tài sản vượt 150% lãi suất của ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm cho vay có thể bị xử lý hành chính từ 2 – 5 triệu đồng

Trường hợp hai bên tự nguyện với mức lãi suất trên 20% thì có được công nhận?

Trên thực tế có nhiều trường hợp thoả thuận vay cao hơn lãi suất pháp luật quy định. Trường hợp hai bên tự nguyện thực hiện và chưa đủ điều kiện xử lý thì vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu có xảy ra tranh chấp thì mức lãi xuất sẽ áp dụng theo quy định pháp luật

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan