Thứ Ba (19/03/2024)

Đặt bẫy điện vô tình làm chết người

Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các bài viết của AZLAW, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "azlaw". (Ví dụ: thành lập công ty azlaw). Tìm kiếm ngay

Đặt bẫy điện chết người phải bồi thường như thế nào? Trách nhiệm bồi thường khi vô ý làm chết người do bẫy điện? Bẫy chuột bằng điện gây chết người là lỗi gì?

Do dạo gần đây, do ruộng lúa, hoa màu bị chuột cắn phá quá nhiều, nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giăng bẫy chuột bằng điện để bảo vệ, anh A là một trong số đó. Sau nhiều lần làm nhiều cách để bẫy chuột mà không có hiệu quả nên anh A đã dùng dây chì mắc điện xung quanh ruộng nhà mình để diệt chuột, và để đề phòng mọi người bị giật, anh đã làm một biển báo gắn ở thửa ruộng có bẫy điện của nhà mình, trên đó có ghi: “Ở đây có bẫy điện, đề nghị tránh xa”. Tuy nhiên, vào một hôm tối trời, có hai anh hàng xóm đi bắt ếch vô tình đi ngang qua, vì tầm nhìn của đèn chiếu sáng hạn chế, nên đã dẫm phải bẫy điện và bị giật chết. Ngày hôm sau, có người đi làm đồng và phát hiện ra. Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp này anh A có phải chịu trách nhiệm gì không?

Trả lời

Trước hết, xem xét về việc anh A làm bẫy chuột bằng dây điện ở thửa ruộng của nhà mình. Theo thông tin bạn đưa ra thì: Sau nhiều lần bẫy chuột mà không hiệu quả nên anh A đã dùng dây chì mắc điện xung quanh ruộng nhà mình để diệt chuột, và để đề phòng mọi người bị giật, anh đã làm một biển báo gắn ở thửa ruộng có bẫy điện của nhà mình, trên đó có ghi: “Ở đây có bẫy điện, đề nghị tránh xa“. Về hành vi của anh A căn cứ vào khoản 7 Điều 7 của Luật Điện lực năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 24/2012/QH13) thì trong các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện thì có hành vi “sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy  định tại Điều 59 của Luật này”. Và tại Điều 59 Luật Điện lực đã được sửa đổi, bổ sung, quy định về sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp như sau:

Điều 59. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện.
5. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp”

Bổ sung Điều 59a  về xử lý sự cố điện (theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật điện lực năm 2004) theo đó:

Điều 59a. Xử lý sự cố điện
1. Trường hợp xảy ra sự cố điện, đơn vị điện lực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp xảy ra sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa lớn thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp ứng phó phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Có thể thấy trong tình huống mà bạn đưa ra thì hành vi anh A đã dùng dây chì mắc điện xung quanh ruộng nhà mình để diệt chuột, là hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, căn cứ theo Khoản 7 Điều 7 và Điều 59 Luật điện lực sửa đổi nêu trên, thì hành vi của anh A là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, về việc anh A sử dụng bẫy điện để diệt chuột đã làm chết người, thì anh A có phải chịu trách nhiệm gì không thì xét thấy theo thông tin bạn đưa ra thì: Vào một hôm tối trời có hai anh hàng xóm đi bắt ếch vô tình đi ngang qua thửa ruộng đặt bẫy điện của anh A, vì tầm nhìn của đèn chiếu sáng hạn chế, nên đã dẫm phải bẫy điện và bị giật chết. Ngày hôm sau, có người đi làm đồng và phát hiện ra.

Có thể thấy, mặc dù đã có đặt biển báo tại thửa ruộng đặt bẫy để cảnh báo với người khác: “Ở đây có bẫy điện, đề nghị tránh xa”. Thế nhưng, việc đặt bẫy điện để bẫy chuột của anh A đã gây ra thiệt hại về tính mạng cho người khác thì người sử dụng điện (ở đây là anh A) vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cụ thể:

Thứ nhất, như đã phân tích ở trên thì anh A đã có hành vi sử dụng điện vào mục đích bẫy, bắt động vật trái quy định của pháp luật. Do vậy, căn cứ vào điểm đ, Khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn điện theo đó:

Điều 15. Vi phạm quy định về an toàn điện
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật;

Như vậy, trong trường hợp này, với hành vi đặt bẫy điện để bẫy chuột  trái quy định của pháp luật thì anh A sẽ bị phạt tiền đến 70 triệu đồng.

Thứ hai, việc anh A dùng dây chì mắc điện xung quanh ruộng nhà mình để diệt chuột thì hệ thống dây truyền dẫn điện mà anh A tạo ra được xem là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015, theo đó “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật”.

Do vậy, khi bẫy điện để diệt chuột của anh A gây ra thiệt hại làm chết người, thì anh A phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ của mình gây ra theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thứ ba, với hậu quả gây chết người, thì với hành vi sử dụng điện để bẫy chuột của anh A còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Nói anh A vô ý làm chết người là bởi lẽ: xem xét về trường hợp của anh A: đặt bẫy điện để bẫy chuột nhưng lại làm chết người, thì

Xét về mặt khách quan: Anh A đã có hành vi vi phạm quy tắc an toàn. Thể hiện ở việc lắp đặt bẫy điện để bẫy chuột, mặc dù biết là nguồn điện có thể gây nguy hiểm cho các loài động vật và cả con người. Và hành vi này của anh A, đã khiến làm cho hai người đi bắt ếch dẫm phải bẫy điện và bị điện giật chết.

Về mặt chủ quan: trong trường hợp này, anh A đã phạm lỗi vô ý, cụ thể là vô ý vì quá tự tin. Bởi vì anh A vẫn biết là hành vi của mình là có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thể hiện ở việc anh A biết việc đặt bẫy điện của mình, có thể làm người khác bị giật, và do vậy anh A đã có đặt biển báo “ở đây có bẫy điện, đề nghị tránh xa”. Và với việc đặt biển báo cảnh báo mọi người tránh xa thửa ruộng đặt bẫy điện của mình, anh A đã tin rằng việc làm chết người sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, tuy nhiên thực tế, hậu quả chết người vẫn xảy ra, thể hiện ở việc hai người hàng xóm đi bắt ếch và vô tình dẫm phải bẫy điện và bị giật chết. Do vậy, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015, anh A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, cụ thể:

Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Trong trường hợp này, anh A đã vô ý làm chết 02 người do hành vi đặt bẫy điện để bẫy chuột của mình. Và do vậy, anh A có thể phải chịu mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Tuy nhiên, đối với tội phạm hình sự thì việc kết luận chính xác tội danh phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra trong từng trường hợp cụ thể, tư vấn trên đây của chúng tôi chỉ dựa trên những thông tin mà bạn đưa ra, và căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành.

Bẫy chuột bằng điện gây chết người là lỗi gì?

Trường hợp này tùy trường hợp có thể là lỗi cố ý gián tiếp do về mặt nhận thức, chủ thể đặt bẫy có thể nhìn rõ được hậu quả tuy nhiên để mặc không khắc phục và mục đích đặt bẫy với mục đích diệt chuột, nhưng lại vô tình làm chết người.

Trường hợp xác định lỗi vô ý

Việc đặt bẫy sẽ là lỗi vô ý khi người đặt bẫy đặt trong phần khu vực do mình quản lý, ít người qua lại. Ví dụ đặt bẫy điện trong nhà, trộm vào nhà vô tình dính bẫy và chết. Như vậy, sẽ là lỗi vô ý do quá chủ quan.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan