Thứ Bảy (20/04/2024)

Ủy quyền thanh toán qua bên thứ ba trong giao dịch

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Uỷ quyền thanh toán qua bên thứ ba trong giao dịch, các giấy tờ thanh toán qua bên thứ ba

Hiện tại em đang làm kế toán cho 2 công ty tạm gọi là A và B, sếp của hai công ty này là bạn của nhau. Trên một số giấy tờ hợp đồng giao dịch là của công ty A nhưng công ty B lại đứng ra thanh toán, nhận tiền giúp. Trên hợp đồng cũng đã ghi về việc thanh toán qua bên thứ ba nhưng em muốn hỏi việc thanh toán như vậy có trái với quy định của luật hay không? Nếu không xin AZLAW trích dẫn căn cứ để em có cơ sở nếu phải giải trình.

Trả lời

Việc thanh toán qua bên thứ ba như vậy do các bên thỏa thuận, bản chất việc thanh toán đó không trái với quy định pháp luật dân sự của Việt Nam. Tuy nhiên một số quy định về thuế cũng có nói về việc này.

Tại điểm c khoản 4 điều 15 thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng:

Điều 15.Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
4. Các trường họp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:
a) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
b) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.
c) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thử ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng
d) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Như vậy theo quy định trên thì các khoản thanh toán qua bên thứ ba đều có thể được công nhân tuy nhiên bắt buộc phải quy định rõ trong hợp đồng giữa bên mua và bên bán. Ngoài ra đối tượng bên thứ ba ở đây cũng phải có tư cách pháp nhân hoặc năng lực hành vi dân sự một cách đầy đủ.


Thanh toán qua bên thứ 3 có được khấu trừ thuế?

Điểm b, c Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Theo quy đinh này thì việc thanh toán hoàn toàn hợp pháp và được khấu trừ thuế chỉ cần lưu ý với các khoản thanh toán trên 20 triệu cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (có thể là chuyển khoản, séc…), ở đây có thể hiểu là bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng cho bên bán. Các bên cần chứng minh việc thanh toán qua các chứng từ và hợp đồng mua bán, giao dịch

Chứng từ thanh toán hợp lệ qua bên thứ ba

Công ty em xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng đi Korea nhưng cty Korea ko đứng ra thanh toán cho cty em được,vì một số vấn đề vướng mắc trong thanh toán quốc gia….và công ty Korea nhờ cty bên Hongkong thanh toán nợ cho công ty em. Vậy em đang rất phân vân trường hợp này phải giải thích như thế nào để xem là hợp lệ? Ngoài ra bên em có một số hóa đơn đầu vào sau ngày xuất hàng đi phải xử lý như nào?

Trả lời

Theo quy định tại khoản 4 điều 15 thông tư 219/2013/TT-BTC thì việc thanh toán qua bên thứ ba sẽ được chấp nhận. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về các quy định khi thanh toán tại ngân hàng nếu đối tác thanh toán là đối tác nước ngoài. Trường hợp này khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp ngân hàng nhận tiền để được rõ hơn

Trường hợp hàng về trước hóa đơn về sau:
Thực tế kinh doanh đang xảy ra hoạt động như các Bạn đang làm, trong chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và giáo trình kế toán cũng đề cập đến các trường hợp hàng và hoá đơn cùng về, hàng về trước hoá đơn về sau, hàng về sau hoá đơn về trước, hàng bán thẳng không qua kho,…Tuy nhiên, thanh tra thuế luôn đặt ra quyền nghi ngờ mua khống/bán khống, rửa tiền, hợp thức hoá chứng từ cho các giao dịch không thật.
Vì vậy, nếu các Bạn là DN làm ăn chân chính thì chuẩn bị sẵn các giấy tờ liên quan để bảo vệ đúng như thực tế đang diễn ra gồm: Hợp đồng/Thoả thuận với các bên, các phiếu nhập, phiếu xuất kho, chứng từ chuyển tiền,….
– Với các lô hàng sau, Bạn cần ghi rõ trong Hợp đồng về thời điểm giao hàng, thời điểm giao nhận hoá đơn, chứng từ cho hàng đi đường (bên bán sử dụng Phiếu xuất kho kiêm lệnh vận chuyển/điều động, sau khi giao nhận đủ, thanh toán tiền mới xuất Hoá đơn GTGT),…

Thanh toán qua bên thứ ba là cá nhân có được khấu trừ thuế?

Theo quy định nếu trên đối tượng thanh toán là bên thứ ba ghi rõ: “…bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật“. Như vậy, thể nhân trong trường hợp này được hiểu như thế nào? Thể nhân có phải là pháp nhân hay không?

Xem thêm: Tư cách pháp nhân là gì?

Theo quy định của bộ luật dân sự 2015 và các văn bản pháp luật hiện nay không có khái niệm về “thể nhân“. Tuy nhiên, tại văn bản trả lời của Cục thuế TP Đà Nẵng đăng tải trên cổng thông tin điện tử bộ tài chính trả lời như sau:

Như vậy, từ “thể nhân” được nêu tại khoản 10, Điều 1, Thông tư  số 26/2015/TT-BTC, ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính:  “…Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật…”  được hiểu là các cá nhân hoặc các tổ chức không phải là pháp nhân có hoạt động sản xuất  kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khái niệm thể nhân có thể hiểu là “cá nhân” trong một số trường hợp. Tuy nhiên, do quan điểm của một số cơ quan thuế có thể không giống nhau. Do vậy, với trường hợp khách hàng áp dụng có thể yêu cầu cơ quan thuế quản lý trả lời bằng văn bản trong từng trường hợp cụ thể.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan