Con đường trở thành luật sư tại Việt Nam
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Trờ thành luật sư cần điều kiện gì? Quá trình trở thành luật sư tại Việt Nam như thế nào? Thời gian trở thành luật sư
Luật sư là một nghề được trọng vọng tại các nước phương Tây. Thường ở nước ngoài, mỗi gia đình thường có luật sư riêng. Tuy nhiên nghề luật sư tại Việt Nam vào thời điểm này chưa được trọng vọng nhiều như ở nước ngoài. Nhưng xét về điểm đầu vào của các trường đại học như Đại học Luật, Khoa luật – Đại học quốc gia, Khoa luật – Đại học Kinh Tế Quốc Dân thì có vẻ như ngành luật nói chung và nghề luật sư ngày càng được quan tâm và chú trọng.
Học luật ra trường có thể làm rất nhiều nghề như: luật sư, pháp chế, hỗ trợ tín dụng, kiểm sát viên, thư ký tòa, các cơ quan hành chinh nhà nước…Tuy nhiên việc học luật ra có thể làm gì chúng tôi sẽ giới thiệu tại bài viết khác. Trong bài viết này chủ yếu giới thiệu về con đường để trở thành luật sư bắt đầu từ cổng trường đại học.
Xem thêm: Học luật xong có thể làm những công việc gì?
Quá trình trở thành một luật sư
Để trở thành luật sư đầu tiên bạn cần phải có bằng đại học chuyên ngành luật, bằng này có thể được cấp bởi đại học luật hoặc khoa luật các trường đại học tại Việt Nam. Đây là bước đầu tiên, thời gian học chuyên ngành luật hết 4 năm đại học, chi phí thì chắc ai cũng biết học đại học tốn kém như thế nào rồi nhỉ? Vậy là chúng ta kết thúc 4 năm học đại học và ra trường với tấm bằng trên tay, kiến thức và kinh nghiệm thì chưa biết nói thế nào. Kiến thức thì có còn kinh nghiệm thì tất nhiên là không (trừ các bạn đi học việc từ sớm), do đó đối với sinh viên luật việc học việc tại các công ty luật và văn phòng luật sư là cần thiết. Trên thực tế có nhiều bạn sinh viên đi học việc và làm từ năm thứ hai, thứ ba, đây là khoảng thời gian hợp lý để tiếp xúc và va chạm với thực tế.
Xem thêm: Lưu ý khi thực tập hoặc học việc nghề luật
Tiếp theo, sau khi học xong đại học để trở thành luật sư, bạn cần trải qua lớp đào tạo nghiệp vụ về luật sư tại học viện tư pháp thời gian đào tạo hiện nay là 12 tháng và học phí là 22.760.000 VNĐ/khóa (tại Hà Nội) và 25.190.000 VNĐ/khoá (tại thành phố HCM) (Số liệu cập nhật gần nhất 25/12/2019 theo thông báo tuyển sinh luật sư của học viện tư pháp tại địa chỉ website: www.hocvientuphap.edu.vn. Trước đây theo quy định cũ là đào tạo 18 tháng và thực tập 6 tháng, tuy nhiên hiện nay thời gian đào tạo giảm còn 2/3 còn thời gian thực tập tăng gấp đôi 12 tháng. Xin đọc tiếp tại phần sau
Sau khi trải qua lớp đào tạo các bạn sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ luật sư tại học viện tư pháp. Lúc này các bạn có thể làm hồ sơ tập sự tại các công ty luật hoặc văn phòng luật sư. Thời gian tập sự như đã đề cập ở trên là 1 năm. Việc tập sự cũng sẽ có lương như đi làm tùy vào việc luật sư tập sự thỏa thuận với văn phòng. Thực tế có nhiều văn phòng thu phí nhưng cũng có nhiều văn phòng không thu phí tập sự luật sư. Mức phí thường dao động vào khoảng 3.000.000 VNĐ/thời gian tập sự
Sau khi tập sự xong thì bước quan trọng là kiểm tra kết thúc tập sự. Đây là bước quan trọng nhất khi bạn muốn trở thành luật sư vì thành hay bại đều ở giai đoạn này. Các bạn sẽ trải qua kỳ thi kiểm tra tập sự do liên đoàn luật sư tổ chức , nếu qua được kỳ thi này sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Đến đây con đường trở thành luật sư đã hoàn thành 90%
Bước cuối cùng là đăng ký hành nghề và cấp thẻ luật sư tại đoàn luật sư nơi hành nghề, đây là bước cuối cùng và khi nhận thẻ luật sư bạn đã chính thức trở thành một luật sư thực thụ. Khi vào đoàn luật sư, luật sư mới sẽ phải đóng quỹ đoàn và phí luật sư trong năm đầu tiên. Có đoàn luật sư thì chi phí ít, có đoàn nhiều, cụ thể đoàn luật sư Hà Nội tổng chi phí khi tham gia đoàn luật sư gần 15.000.000 VNĐ đã bao gồm phí luật sư năm đầu tiên 2.400.000 VNĐ/năm
Tổng kết lại kể từ khi bước chân ra khỏi trường đại học bạn sẽ mất thêm tối thiểu là 2 năm và tầm 30.000.000 VNĐ để trở thành một luật sư theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên một luật sư thực thụ không chỉ là trên thẻ luật sư của người đó mà chủ yếu nằm ở kiến thúc và kinh nghiệm. Do đó các cử nhân luật nên tiến hành tập sự vào những năm học cuối của quãng thời gian sinh viên để học tập kinh nghiệm làm luật cho mình.
Trở thành luật sư cần phải có tình yêu nghề nghiệp
Như đã giải thích ở trên, trở thành luật sư tất nhiên phải có tình yêu nghề nghiệp. Vì từ khi vào đại học nhanh nhất cũng đã mất 6 năm (trên thực tế con số này rất ít). Cả thời gian trau dồi kinh nghiệm thì thời gian từ khi bước vào đại học của một luật sư tương lại thông thường sẽ rơi vào khoảng 10 năm. Do đó luật sư là một nghề đòi hỏi sự yêu thích, gắn bó.
Công việc luật sư thường làm hiện nay chủ yếu sẽ là hướng dẫn các quy định pháp luật và giải quyết các vướng mắc pháp lý thường do các đối tượng không hiểu rõ pháp luật hoặc giải quyết sai phạm của cơ quan nhà nước do vậy nếu trở thành luật sư sẽ hay bị “làm khó”, do đó nếu dự định trở thành luật sư cần phải có một tinh thần thép nếu không bạn nên chọn một lĩnh vực luật dễ thở hơn.
Kết luận: Con đường trở thành luật sư sẽ tương đối chông gai vất vả, bài viết này sẽ giúp các bạn dự định trở thành luật sư hay có người thân học luật sẽ có định hướng rõ ràng hơn về con đường của mình. Với cá nhân người viết hy vọng rằng bài viết này sẽ được phổ biến rộng rãi và ngày càng có nhiều người yêu mến nghề luật hơn. Còn với các bạn, cảm ơn bạn đã giành thời gian để đọc hết toàn bộ bài viết và tôi cũng hi vọng rằng bạn sẽ chia sẻ nó trên facebook để cho những người dự định trở thành luật sư khác khác cùng đọc nếu có thể.