Thứ Bảy (20/04/2024)

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Tư vấn về điều kiện để yêu cầu bồi thường khi phát sinh thiệt hại ngoài hợp đồng, đối tượng và mức bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Các bên chủ thể là bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại không có thoả thuận hoặc hợp đồng nào. Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết không trên cơ sở của hợp đồng dân sự (vì không có hợp đồng) mà chỉ giải quyết trên cơ sở của pháp luật quy định. Vậy pháp luật có quy định như nào về căn cứ phát sinh trách nhiệm này? Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, việc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ được xác định trên các căn cứ sau:

1. Phải có thiệt hại xảy ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại này bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần. Thiệt hại về vật chất bao gồm: giảm sút hay mất mát về tài sản, lợi ích gắn với tài sản…Thiệt hại về tinh thần bao gồm: thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín…làm cho người bị thiệt hại phải chịu buồn phiền, hoặc làm giảm sút uy tín…

2. Thiệt hại được gây ra bởi hành vi trái pháp luật
Những hành vi này xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác: xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự…Đây là những hành vi làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

3. Thiệt hại là hậu quả của hành vi trái pháp luật đó
Thiệt hại xảy ra chính là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ nguyên nhân và hậu quả chứ không phải do sự ngẫu nhiên

Bộ luật dân sự 2015 đã không quy định yếu tố lỗi là yếu tố bắt buộc để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là điểm mới so với bộ luật dân sự 2005, theo quy định cũ thì người gây thiệt hại phải có lỗi  cố ý hoặc vô ý thì mới phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó bộ luật dân sự 2015 đã mở rộng hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngay cả khi không có lỗi. Ví dụ: bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (điều 601 Bộ luật dân sự 2015)

Xem thêm: Nguồn nguy hiểm cao độ

Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hay hoàn toàn là do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Trong trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ( trừ trường hợp hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng). Ví dụ: trường hợp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra…

4. Người gây thiệt hại phải có lỗi

Như vậy lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một vấn đề quan trọng nó ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ của người gây ra thiệt hại đối với người bị thiệt hại.

Trong lĩnh vực pháp luật lỗi luôn được coi là yếu tố quan trọng để áp dụng các biện pháp chế tài đối với người phạm tội. Không chỉ trong luật hình sự lỗi là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh mà trong luật dân sự lỗi cũng là dấu hiệu để xác định bồi thường đặc biệt là trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vậy lỗi ở đây được hiểu như thế nào.

Dưới góc độ tâm lý học thì nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cho rằng lỗi phản ánh yếu tố tâm lý của con người, đó là yếu tố nội tâm của con người. Nó diễn biến phức tạp và chi phối trực tiếp hành vi của con người. Người có hành vi có lỗi bao giờ cũng phải chịu một hậu quả bất lợi hoặc về tài sản hoặc về nhân thân hoặc cả hai sự bất lợi nói trên. Xét về mặt tâm lý thì người có lỗi chỉ có thể phải chịu đựng những sự đánh giá của cộng đồng mà không phải gánh chịu hậu quả pháp lý nào.

Còn lỗi khi xét dưới góc độ luật học thì từ xưa tới nay có rất nhiều học giả trong đó có các luật gia đã quan tâm nhận xét rất khác nhau về việc xác định yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng. Tuy nhiên họ đều nhận định lỗi được biểu hiện dưới hai hình thức là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy. Lỗi vô ý gây thiệt hại là một người không thấy hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Như vậy khi nói đến lỗi trong dân sự nói chung và lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng là nói tới lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, người nào có lỗi (dù là vô ý hay cố ý) mà gây thiệt hại cho người khác về danh dự, nhân phẩm, tài sản, của cải…thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Một số trường hợp bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể như sau:

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
– Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
– Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
– Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
– Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
– Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.

Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.

Bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra
– Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng.
– Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ.

Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý
– Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
– Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
– Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường.

Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
– Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
– Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
– Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
– Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan