Hàng thừa kế là gì? Quy định về hàng thừa kế?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hàng thừa kế là gì? Có mấy hàng thừa kế? Quy định pháp luật về hàng thừa kế như thế nào?
Theo quy định tại điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật đối với hàng thừa kế như sau:
Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Trường hợp nào được hưởng thừa kế theo pháp luật? Có 4 trường hợp được hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 650 Bộ luật dân sự 2015
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Hàng thừa kế theo quy định pháp luật
Theo quy điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ ,chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết
Người thừa kế là vợ, chồng: cơ sở để vợ chồng nhận thừa kế của nhau là thông qua việc kết hôn hợp pháp. Trong trường hợp vợ chồng xin ly hôn mà chưa được Tòa án cho ly hôn bằng văn bản hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì còn lại vẫn được hưởng di sản thừa kế từ người đã chết. Trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại( chưa ly hôn) mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được nhận tài sản từ người đã chết. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Người thừa kế là cha mẹ đẻ: Cha mẹ đẻ là người thừa kế hàng thứ nhất của con và ngược lại con cũng là người thừa kế hàng thứ nhất của cha mẹ. Cha mẹ đẻ được hưởng thừa kế hàng thứ nhất của con không kể con trong giá thú và con ngoài giá thú và ngược lại
Người thừa kế là cha mẹ nuôi, con nuôi: Gia đình cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ của người nuôi con nuôi. Cha đẻ, mẹ đẻ của người nuôi con nuôi cũng không được thừa kế của người con nuôi đó.
Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị em, ruột của người đã chết, cháu ruột của người đã chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Ông, bà nội; ông bà ngoại là hàng thừa kế thứ 2 của cháu nội, cháu ngoại. Ngược lại, pháp luật còn dự liệu trường hợp người chết không còn các con hoặc các con từ chối hoặc không có quyền hưởng di sản thì các cháu sẽ được quyền hưởng di sản từ ông bà. Anh, chị, em ruột là những người cùng cha hoặc mẹ, không phụ thuộc vào việc là con trong giá thú hay ngoài giá thú. Con riêng của vợ và con riêng của chồng thì không phải là anh chị em ruột. Con nuôi của một người không phải là anh, chị em ruột của con đẻ của người đó. Do đó, con đẻ và con nuôi của một người không phải hàng thừa kế thứ hai của nhau.
Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người đã chết; bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người đã chết; chắt ruột của người đã chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trường hợp cụ nội, cụ ngoại chết mà không có người thừa kế là con và cháu hoặc có người thừa kế nhưng họ không có quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản thì chắt sẽ được hưởng di sản thừa kế từ cụ. Người thừa kế là bác, chú dì, cô ruột của người chết, cháu ruột của người chết là bác, chú, cô, cậu, dì ruột của người chết. Như vậy, anh chị em ruột của cha mẹ của cháu là những người thừa kế hàng thứ ba của cháu và ngược lại. Như vậy, theo quy định của pháp luật những người thừa kế ở cùng hàng sẽ được hưởng di sản thừa kế ngang nhau. Người thừa kế ở hàng thứ nhất có quyền hưởng di sản trước tiên so với các hàng thừa kế sau,những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có hoặc bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.