Giấy phép kinh doanh vận tải
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật hiện hành tại nghị định 10/2020/NĐ-CP
Khái niệm kinh doanh vận tải: Theo quy định tại điều 3 nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi“. Như vậy, các hoạt động đáp ứng yêu cầu trên mới phải xin giấy phép kinh doanh vận tải. Với các trường hợp vận tải nội bộ (ô tô của công ty) thì không cần xin giấy phép kinh doanh vận tải.
Ngành nghề kinh doanh vận tải: Việc ghi mã ngành theo quy định tại quyết định 27/2018/QĐ-TTg và nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau
STT | Tên ngành | Mã ngành |
1 | Vận tải hành khách đường bộ khác Chi tiết: – Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (Điều 6 nghị định 10/2020/NĐ-CP) – Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (Điều 7 nghị định 10/2020/NĐ-CP) – Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô (Điều 8 nghị định 10/2020/NĐ-CP) | 4932 |
2 | Vận tải hàng hóa bằng đường bộ Chi tiết: – Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (Điều 9 nghị định 10/2020/NĐ-CP) | 4933 |
Các loại hình kinh doanh vận tải: Về điều kiện chung của các loại hình vận theo quy định tại điều 67 luật giao thông đường bộ 2008 như sau:
Điều 67. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
c) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
d) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải; (Người có trình độ chuyên môn về vận tải là người có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải trở lên)
đ) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
2. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;
c) Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.
3. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Các loại hình kinh doanh vận tải và điều kiện cụ thể được quy định tại chương II nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 4. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thì được đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
2. Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 6. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn mà chưa có bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì cho phép tuyến vận tải hành khách cố định được xuất phát và kết thúc tại bến xe dưới loại 6.
3. Nội dung quản lý tuyến
a) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến;
b) Thông báo biểu đồ chạy xe theo tuyến và cập nhật vào danh mục mạng lưới tuyến các nội dung gồm: Tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến, giãn cách thời gian tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề, giờ xuất bến của các chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác; danh sách đơn vị đang khai thác tuyến; xây dựng và thông báo điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến;
c) Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.
4. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
a) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
b) Phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe;
c) Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.
5. Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.
6. Quy định đối với hoạt động tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách trên tuyến cố định
a) Tăng cường phương tiện vào các dịp Lễ, Tết và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng: Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định căn cứ vào nhu cầu đi lại, thống nhất với bến xe khách xây dựng phương án tăng cường phương tiện trên tuyến; báo cáo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để tổng hợp và ban hành kế hoạch thực hiện chung;
b) Tăng cường phương tiện vào các ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật) có lượng khách tăng đột biến: Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định căn cứ vào nhu cầu đi lại, thống nhất với bến xe khách xây dựng phương án tăng cường phương tiện trên tuyến; thông báo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để thực hiện trong năm. Căn cứ phương án tăng cường phương tiện đã thông báo đến Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến và lưu lượng khách thực tế tại bến xe, bến xe khách xác nhận chuyến xe tăng cường vào Lệnh vận chuyển của doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến khi thực hiện. Xe sử dụng để tăng cường là xe đa được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH”, “XE HỢP ĐỒNG”, biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” còn giá trị sử dụng.
7. Đơn vị kinh doanh bến xe khách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đúng nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra việc thực hiện điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào Lệnh vận chuyển; chỉ cho xe vận chuyển hành khách xuất bến nếu đủ điều kiện.
8. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 đối với các bến xe khách còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, trước khi xe xuất bến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 5. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
a) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
b) Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
c) Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.
3. Nội dung quản lý tuyến
a) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến có trợ giá) và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;
b) Quy định và tổ chức đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến;
c) Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;
d) Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.
4. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2022, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải cung cấp thông tin (gồm: tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe thông qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
5. Xe buýt được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
Điều 6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi
a) Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.
Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe;
c) Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
2. Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền
a) Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình;
b) Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
3. Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)
a) Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến;
b) Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
c) Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
4. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi của đơn vị trước khi thực hiện kinh doanh vận tải.
6. Xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
Điều 7. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
a) Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm;
c) Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Nghị định này.
2. Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
3. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe
a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết;
b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;
c) Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;
d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
4. Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định của Luật giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện các quy định sau:
a) Mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này);
b) Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này);
c) Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp;
d) Lái xe không phải áp dụng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
6. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc
a) Trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện việc thông báo một lần các nội dung tối thiểu của hợp đồng theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này; phải thông báo lại khi có sự thay đổi về hành trình, thời gian vận chuyển hoặc các điểm dừng đỗ, đón trả khách;
b) Vận chuyển đúng đối tượng (học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc) và không phải thực hiện các nội dung được quy định tại điểm c, điểm d khoản 3, điểm b, điểm c khoản 4 và khoản 5 Điều này.
7. Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
8. Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.
Điều 8. Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch
a) Có biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE DU LỊCH” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE DU LỊCH” là 06 x 20 cm;
c) Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 của Nghị định này.
2. Hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
3. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành và lái xe
a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành đã ký kết;
b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức;
c) Trường hợp sử dụng xe ô tô để vận chuyển khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;
d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
4. Khi vận chuyển khách du lịch, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định của Luật giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 4 Điều 7 của Nghị định này.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Nghị định này.
6. Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch, phục vụ tham quan du lịch tại sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và được hoạt động không hạn chế thời gian trên các tuyến giao thông dẫn tới các điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm cung ứng dịch vụ du lịch theo quy định của chính quyền địa phương.
7. Ngoài hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận tải khách du lịch không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
8. Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.
Điều 9. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 ki-lô-gam trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.
2. Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng
a) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển loại hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời;
b) Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành (Giấy phép sử dụng đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ là việc sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc để vận chuyển công-ten-nơ.
5. Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa trừ các hình thức kinh doanh vận tải quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
6. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
7. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
8. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải cấp cho lái xe Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ và tên) khối lượng hàng hóa đã xếp lên phương tiện của chủ hàng (hoặc người được chủ hàng ủy quyền) hoặc đại diện đơn vị, cá nhân thực hiện việc xếp hàng.
9. Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
10. Đối với hoạt động vận chuyển xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự qua hầm đường bộ áp dụng theo quy định tại khoản 5 Điều này.
11. Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc điện tử do đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa tự phát hành và có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị vận tải; biển kiểm soát xe; tên đơn vị hoặc người thuê vận tải; hành trình (điểm đầu, điểm cuối); số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng (nếu có); loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận tải
Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định tại điều 18 nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:
Với doanh nghiệp, hợp tác xã
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu
– Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải
– Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
Với hộ kinh doanh
– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải
Bước 1: Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; Thực hiện online tại: https://qlvt.mt.gov.vn/#/web/qlvt/trang_chu
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Thủ tục cấp phù hiệu vận tải
Hồ sơ cấp phù hiệu xe vận tải
1. Giấy đề nghị cấp phù hiệu
2. Bản sao giấy đăng ký xe ô tô.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện; Kích thước tối thiểu của các loại phù hiệu là 9 x 10 cm.
Trình tự cấp phù hiệu
1. Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phù hiệu thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.