Khởi kiện tranh chấp tên miền quốc gia
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Việc khởi kiện ra Tòa án về tranh chấp tên miền cấp quốc gia .vn thủ tục như thế nào? Bên nguyên đơn cần phải nộp các tài liệu gì? Tư vấn pháp luật về tranh chấp tên miền quốc gia
Việc khởi kiện ra Tòa án về tranh chấp tên miền cấp quốc gia .vn thủ tục như thế nào? bên nguyên đơn cần phải nộp các tài liệu gì?
Trả lời
Kể từ ngày 1/1/2007 khi Luật Công nghệ thông tin có hiệu lực, các tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia .vn được giải quyết thông qua các hình thức: Thương lượng hòa giải, Trọng tài, và Khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông mới có Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT hướng dẫn cụ thể vấn đề giải quyết các tranh chấp này.
Theo đó, ngoài các yêu cầu chung về điều kiện khởi kiện và nội dung đơn khởi kiện theo yêu cầu của pháp luật, nội dung đơn khởi kiện của chủ thể có tranh chấp phải đáp ứng đầy đủ 03 yêu cầu sau:
– Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà người khiếu kiện có quyền và lợi ích hợp pháp.
– Người bị khiếu kiện không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó.
– Tên miền đã được người bị khiếu kiện sử dụng với ý đồ xấu đối với người khiếu kiện.
Ngoài đơn khởi kiện, bên nguyên đơn cung cấp các chứng cứ, tài liệu liên quan đế chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có cơ sở
Như vậy, theo Thông tư nêu trên, ngoài các quy định chung về điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, để khởi kiện yêu cầu lấy lại tên miền, cần phải đáp ứng đầy đủ cả 03 điều kiện nêu trên, điều này đôi khi cũng gây khó khăn cho bên nguyên đơn trong việc chứng minh bên bị đơn đã có “ý đồ xấu” hoặc chứng minh bên bị đơn “không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền”.
Về các hình thức giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một trong ba hình thức sau để giải quyết:
– Thông qua hòa giải thương lượng: các bên có thể thực hiện việc hòa giải trước hoặc trong quá trình tố tụng. Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc tranh chấp, các bên phải lập Biên bản hòa giải thành và gửi đến Nhà đăng ký tên miền .vn liên quan hoặc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) để làm cơ sở xử lý tên miền tranh chấp.
– Thông qua trọng tài: các bên có thể lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp tên miền phát sinh trong hoạt động thương mại. Thủ tục giải quyết tranh chấp theo phương thức này được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
– Khởi kiện tại Tòa án: các bên có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp tên miền trong quan hệ dân sự và hoạt động thương mại. Thủ tục giải quyết tranh chấp theo phương thức này được thực hiện theo quy định của pháp luật về Tố tụng dân sự.
Sau khi đã có Biên bản hòa giải thành; Quyết định đã có hiệu lực của Trọng tài; Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, Nhà đăng ký tên miền .vn và VNNIC sẽ căn cứ vào đó để thực hiện việc xử lý tên miền tranh chấp như: thu hồi tên miền để ưu tiên người khiếu kiện đăng ký sử dụng hoặc giữ nguyên hiện trạng; thực hiện các quyết định khác liên quan đến việc thu hồi, treo, giữ có thời hạn tên miền có tranh chấp. Ngoài ra; trong quá trình giải quyết tranh chấp, tên miền phải được giữ nguyên hiện trạng, không được phép trả lại, thu hồi, chuyển đổi nhà đăng ký tên miền .vn hay chuyển đổi tổ chức, cá nhân mới. Nếu sau khi giải quyết tranh chấp, người khiếu kiện được ưu tiên đăng ký sử dụng tên miền thì phải đăng ký trong vòng 10 ngày; hết thời hạn này mà người khiếu kiện không thực hiện việc đăng ký sử dụng tên miền, tên miền sẽ được đăng ký tự do.