Thứ Bảy (27/04/2024)

Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty. Giấy tờ cần lưu giữ khi chuyển nhượng cổ phần

Phần vốn trong công ty cổ phần được chia ra các phần bằng nhau được gọi là cổ phần, tuy nhiên việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cơ bản không được tự do tương tự chuyển nhượng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong bài này AZLAW sẽ giới thiệu những điểm cơ bản nhất về vấn đề chuyển nhượng trong công ty cổ phần

Điều kiện chuyển nhượng cổ phần: Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 111 luật doanh nghiệp 2020 quy định cổ đông trong công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình trừ một số trường hợp đặc biệt

Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Các trường hợp không được tự do chuyển nhượng cổ phẩn

Trường hợp 1: Cổ đông sáng lập chưa hết 3 năm theo khoản 3 điều 120 Luật doanh nghiệp 2020

Điều 120. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
3. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Xem thêm: Thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập

Trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần các thông tin của CĐSL ghi nhận tại cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giữ nguyên. Thông tin cổ đông sáng lập chỉ thay đổi trong một số trường hợp đặc biệt

Trường hợp 2: Trường hợp điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần

Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Thủ tục chuyển nhượng cổ phần: Theo luật doanh nghiệp 2020 cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ quản lý thông tin về cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp. Do vậy, khi chuyển nhượng cổ phần thực hiện như sau:

1. Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập: Cổ đông sáng lập hiểu đơn giản là các cổ đông đầu tiên lập nên công ty. Cụ thể khái niệm theo luật như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm khi chuyển nhượng cổ phần phải ưu tiên chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển ra ngoài nếu được sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông (trường hợp này cổ đông chuyển nhượng không có quyền biểu quyết.
Trường hợp 1: Chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác. Trường hợp này các CĐSL ký hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện chuyển nhượng sau đó tiến hành khai thuế TNCN do chuyển nhượng cổ phần
Trường hợp 2: Chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông bên ngoài. Tương tự trường hợp 1 nhưng sẽ phải triệu tập họp đại hội đồng cổ đông để quyết định chuyển nhượng

Trường hợp này doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh (trừ trường hợp cổ đông nhận chuyển nhượng là người nước ngoài) chỉ cần lưu giữ hồ sơ nội bộ về chuyển nhượng cổ phần và thực hiện khai và nộp thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần

Lưu ý: Khi cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cổ phần, thông tin về cổ đông sáng lập đó vẫn được lưu trên hệ thống thông tin của công ty với toàn bộ thông tin ban đầu (bao gồm cả số vốn đã góp). Cổ đông mới nhận chuyển nhượng không phải là cổ đông sáng lập của công ty do vậy thông tin về người đó sẽ không được lưu trữ trên hệ thống thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ lập danh sách cổ đông, sổ đăng ký cổ đông ghi nhận thông tin các cổ đông trong công ty.

2. Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ thông: Đối với cổ đông phổ thông không phải là cổ đông sáng lập có thể tự do chuyển nhượng sau đó tiền hành khai thuế TNCN mà không cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh

3. Chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài: Tương tự như 2 trường hợp trên, tuy nhiên nếu bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp cần thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết gồm:
–Thông báo thay đổi nội dung ĐKDN
– Biên bản họp, quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
– Danh sách các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài khi đã thay đổi
– Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng
– Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với cổ đông nước ngoài nhận chuyển nhượng là tổ chức hoặc bản sao hợp lệ Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân của cổ đông nước ngoài nhận chuyển nhượng là cá nhân

Xem thêm:
Khai, nộp thuế TNCN khi chuyển nhượng cổ phần
Lập sổ cổ đông công ty cổ phần

Hỏi đáp chuyển nhượng cổ phần
1. Hồ sơ lưu giữ khi chuyển nhượng cổ phần: Để tránh rủi ro khi chuyển nhượng cổ phần các bên nên lưu giữ các hồ sơ sau:
– Hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
– Giấy tờ pháp lý của bên nhận chuyển nhượng
– Sổ cổ đông của công ty
– Tờ khai thuế TNCN + biên lai nộp thuế
– Sổ đăng ký cổ đông của công ty
2. Chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài: Trường hợp cổ đông nhận chuyển nhượng là người nước ngoài công ty cần làm thủ tục thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết theo quy định tại điều 52 nghị định 01/2021/NĐ-CP gồm các hồ sơ sau:
– Thông báo thay đổi nội dung ĐKDN
– Biên bản họp, quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
– Danh sách các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài khi đã thay đổi
– Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng
– Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với cổ đông nước ngoài nhận chuyển nhượng là tổ chức hoặc bản sao hợp lệ Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân của cổ đông nước ngoài nhận chuyển nhượng là cá nhân
3. Quyền biểu quyết khi chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập: Theo khoản 3 điều 120 khi họp ĐHĐCĐ để biểu quyết việc chuyển nhượng cổ phần của CĐSL thì CĐSL chuyển nhượng không có quyền biểu quyết. Do vậy, 100% số phiếu biểu quyết do các cổ đông còn lại quyết định.
4. Có cần công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không bắt buộc phải công chứng để có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu muốn giảm nghĩa vụ chứng minh thì khi chuyển nhượng các bên nên tiến hành công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để tránh rủi ro sau này
5. Chuyển nhượng cổ phần có cần xác nhận của công ty? Chuyển nhượng cổ phần không cần xác nhận của công ty, tuy nhiên lưu ý tường hợp chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập cần yêu cầu chứng minh việc sở hữu cổ phần của bên bán

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan