Thứ Năm (25/04/2024)

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Phòng vệ chính đáng là gì? Trường hợp nào phòng vệ chính đáng dẫn tới chết người được khoan hồng, tư vấn pháp luật miễn phí về tội do vượt quá phòng vệ chính đáng qua tổng đài điện thoại

Tội giết người và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng đều dẫn đến hậu quả làm chết người, Tuy nhiên cấu thành tội phạm và mức hình phạt của tội giết người và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không giống nhau. Để giúp quý khách hàng có thể hiểu và phân biệt được tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, AZLAW xin đưa ra phân tích các yếu tố cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Phòng vệ chính đáng là gì?

Phòng vệ chính đáng được quy định tại điều 22 của bộ luật hình sự 2015 cụ thể như sau:

Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 126, Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Từ quy định trên ta có thể thấy rằng tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có những đặc điểm trong cấu thành tội phạm như sau:

Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 trở lên

Khách thể: Ở chủ thể của tội này đã xâm phạm tới là quan hệ nhân thân, cụ thể là quyền sống của con người.

Mặt khách quan:
Hành vi khách quan của tội phạm là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Có nghĩa là, nạn nhân chính là người có hành vi tấn công, xâm hại lợi ích hợp pháp và hành vi giết người là hành vi người phạm tội lựa chọn thực hiện để ngăn chặn hành vi tấn công, bảo vệ lợi ích hợp pháp đang bị xâm hại: Hành vi xâm hại những lợi ích cần bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ; xâm phạm một cách trực tiếp đến các lợi ích cần bảo vệ chứ không phải do suy diễn, tưởng tượng. Người thực hiện hành vi phòng vệ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi phòng vệ có chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người.

Hậu quả: Làm nạn nhân chấm dứt sự sống.
Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả: hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn chính đáng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp
Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội thấy trước hậu quả của hành vi phòng vệ sẽ dẫn đến chết người, nhưng vì mong muốn hậu quả đó xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tội nghiêm trọng, có quy định về mức hình phạt thấp hơn tội giết người bởi ở đây đã có sự xem xét đến yếu tố lỗi của nạn nhân, đó là có hành vi tấn công, xâm hại lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Và người phạm tội có hành vi chống trả nhưng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan