Thứ Sáu (29/03/2024)

Vật nuôi gây thiệt hại ai phải bồi thường?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Vật nuôi gây thiệt hại ai phải bồi thường? Quy định về trách nhiệm bồi thường do vật nuôi gây ra

Hiện nay, vật nuôi trở thành thú cưng trong nhiều gia đình nhưng do bản chất của chúng là động vật hoang dã, mặc dù được thuần hóa, chúng vẫn có thể gây nguy hiểm cho con người. Trường hợp những vật nuôi này gây ra thiệt hại cho người khác thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Chủ sở hữu vật nuôi phải bồi thường

Khi chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp không có thỏa thuận khác việc bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện như sau:

Việc chiếm hữu, sử dụng là quyền hợp pháp của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp. Do chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp là người trực tiếp được hưởng những lợi ích từ vật nuôi đem lại do đó trong khi quản lý và sử dụng vật nuôi, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có lỗi hay không có lỗi mà để vật nuôi gây ra thiệt hại cho người khác thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại này xảy ra sự kiện bất khả kháng ( Ví dụ: dịch bệnh, thiên tai,…) hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ( Khoản 2 điều 584 Bộ Luật dân sự 2015)

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Bồi thường thiệt hại do bên thứ ba có lỗi

Trường hợp người thứ ba có lỗi trong việc làm cho súc vật gây ra thiệt hại cho người khác thì có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do súc vật gây ra.

Ví dụ: A đang chăn trâu B dùng đá ném cho trâu sợ chạy dẫm nát phần lúa của nhà ông C, khi đó B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà ông C

Khi súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây ra thiệt hại cho người khác thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, theo quy định tại điều 185 Bộ luật dân sự 2015 khi tài sản bị chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hơp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A ăn trộm chó của B, sau đó A đem chó về nhà và nhốt trong lồng nhưng A quên không buộc cửa lồng nên nó đã thoát ra ngoài khi D đi qua cửa nhà A thì bị con chó xông ra cắn, trường hợp này A có trách nhiệm bồi thường cho D

Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng thực hiện

Khi chủ sở hữu và người thứ 3 cùng có lỗi trong việc để súc vật gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu và người thứ ba đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu có lỗi trong việc để cho tài sản bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì chủ sở hữu và người chiếm hữu sử dụng trái pháp luật phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc để cho súc vật gây ra thiệt hại cho chính mình thì người bị thiệt hại không được bồi thường tương ứng với phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Việc liên đới bồi thường thiệt hại các bên phải chịu thiệt hại tương ứng theo phần lỗi của mình. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.( điều 587 Bộ luật dân sự 2015)

Điều 587. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông theo tập quán

Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Việc bồi thường này áp dụng phong tục tập quán cần lưu ý những điểm sau:
– Phong tục, tập quán được áp dụng có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự;
– Phong tục, tập quán được áp dụng đã trở thành thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận.
– Phong tục, tập quán chỉ được áp dụng trên địa bàn có thói quen xử sự theo tập quán đó
– Tôn trọng sự thoả thuận của đương sự trong việc áp dụng phong tục, tập quán về dân sự.
– Dựa theo vai trò của người đứng đầu khu vực đó để áp dụng bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: Điều 226 luật tục Êđê quy định, gia súc “ăn ít khóm thì đền, ăn ít lá thì phải làm một lễ hiến sinh từ lợn trở lên, nếu ăn trụi mùa màng thì phải thay thế”

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan