Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác. Quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư
Nội dung bài viết
Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án đầu tư tại Việt Nam cho các nhà đầu tư khác. Dưới đây AZLAW xin đưa ra tư vấn về điều kiện khi chuyển nhượng dự án đầu tư
Chuyển nhượng dự án đầu tư là gì?
Theo khoản 4 điều 3 luật đầu tư 2020 giải thích về dự án đầu tư
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4. Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Như vậy, việc chuyển nhượng dự án đầu tư là việc nhà đầu tư chuyển giao việc thực hiện dự án cho một hoặc nhiều nhà đầu tư khác.
Điều kiện chuyển nhượng dự án
Theo quy định tại Điều 46 Luật đầu tư năm 2020, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư khi đáp ứng được điều kiện như sau:
Điều 46. Chuyển nhượng dự án đầu tư
1. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật này;
b) Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này;
c) Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
d) Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
đ) Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
e) Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
2. Trường hợp đáp ứng điều kiện chuyển nhượng theo quy định tại khoản 1 Điều này, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư thực hiện như sau:
a) Đối với dự án đầu tư mà nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định tại Điều 29 của Luật này và dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 41 của Luật này;
b) Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, việc chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản cho nhà đầu tư tiếp nhận dự án đầu tư sau khi chuyển nhượng thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, khi thực hiện chuyển nhượng đầu tư phải là dự án đang hoạt động và nhà đầu tư sau chuyển nhượng đáp ứng các quy định của pháp luật về chuyển nhượng dự án
Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư
Việc chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện theo điều 48, 49 nghị định 31/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 48. Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư
1. Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của mình cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư.
2. Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng được kế thừa quyền, nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chuyển nhượng. Trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư có phát sinh thu nhập, nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Đối với dự án kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư khi chuyển nhượng dự án theo quy định tại Điều này và tuân thủ nguyên tắc, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
4. Đối với dự án kinh doanh bất động sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện, hồ sơ cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án kinh doanh bất động sản thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
5. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;
c) Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
d) Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
e) Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
g) Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
6. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư trước khi dự án khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án thực hiện như sau:
a) Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 08 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp 04 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều này cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;
b) Cơ quan quy định tại điểm a khoản này xem xét điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư để quyết định điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định này. Quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
7. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tương ứng tại các điểm a và b khoản 6 Điều này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này.
8. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng dự án không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định sau:
a) Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 04 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều này cho Cơ quan đăng ký đầu tư, trong đó văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 của Luật Đầu tư;
c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó, gửi Cơ quan đăng ký đầu tư;
d) Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm nội dung theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 của Luật Đầu tư, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
e) Quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
9. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án.
10. Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như sau:
a) Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47 của Nghị định này. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
11. Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư:
a) Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các khoản 6, 7, 8 và 10 Điều này;
b) Sau khi hoàn thành thủ tục quy định tại điểm a khoản này, nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Đầu tư.
Điều 49. Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư là tài sản bảo đảm
1. Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân nhận bảo đảm tài sản là dự án đầu tư (sau đây gọi là bên nhận bảo đảm) được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư đó.
2. Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư được kế thừa quyền, nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chuyển nhượng theo các điều kiện quy định tại hợp đồng chuyển nhượng dự án và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Bên nhận bảo đảm hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư giữa bên nhận bảo đảm và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng;
c) Hợp đồng cho vay hoặc hợp đồng cấp tín dụng hoặc hợp đồng mua bán nợ (nếu có);
d) Hợp đồng hoặc văn bản xác nhận giao dịch bảo đảm (nếu có);
đ) Văn bản xác nhận trúng đấu giá trong trường hợp bên nhận bảo đảm, cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản (nếu có);
e) Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng;
g) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
h) Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
i) Văn bản xác nhận của bên nhận bảo đảm về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
4. Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư là tài sản bảo đảm thực hiện như sau:
a) Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, bên nhận bảo đảm hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này và thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định này;
b) Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án khi chuyển nhượng thực hiện theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
c) Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bên nhận bảo đảm hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tương ứng tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 8 Điều 48 của Nghị định này.
d) Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư, bên nhận bảo đảm hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này cho Cơ quan đăng ký đầu tư để thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tương ứng tại Điều 47 của Nghị định này.
5. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa dự án vào khai thác, vận hành thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án đầu tư.
6. Trường hợp bên nhận bảo đảm có nhu cầu tiếp nhận và thực hiện dự án đầu tư, bên nhận bảo đảm tài sản lập hồ sơ và thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45, 46 và 47 của Nghị định này; trong đó, hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư bổ sung hợp đồng hoặc văn bản xác nhận giao dịch bảo đảm; hợp đồng tín dụng hoặc văn bản xác nhận khoản nợ; văn bản xác nhận của bên nhận bảo đảm về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
7. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45, 46 và 47 của Nghị định này, sau đó thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư.
8. Đối với dự án đầu tư thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, thủ tục điều chỉnh dự án thực hiện theo quy định tại Điều 117 của Nghị định này.
Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: Xác định loại dự án và điều kiện dự án cần chuyển nhượng để chuẩn bị hồ sơ tương ứng
Bước 2. Nộp hồ sơ: Doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo đó:
– Dự án nằm trong Khu Công nghiệp/ khu chế xuất, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa – Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có dự án.
– Dự án nằm ngoài khu công nghiệp/ khu chế xuất, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa – Sở kế hoạch đầu tư nơi có dự án.
Hồ sơ đầy đủ theo quy định cán bộ một cửa sẽ trao giấy hẹn cho người đại diện nộp hồ sơ.
Thời gian giải quyết: 10 ngày làm việc
Lưu ý: Đối với trường hợp cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ sau 3 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ.