Thứ năm (19/09/2024)

Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp như thế nào? Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp? Điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Trong bài trước chúng ta đã hiểu “kiểu dáng công nghiệp là gì?“. Tại bài này, hãy cùng AZLAW tìm hiểu cách thức nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định hiện hành.

Nộp đơn kiểu dáng công nghiệp

Giống như đối với nhãn hiệu, quyền của chủ sở hữu kiểu dáng được xác lập khi tiến hành đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ  (tại Hà Nội, và các chi nhánh tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh).
Những đối tượng có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp (theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi bổ sung năm 2022) bao gồm:
– Tác giả sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc.

Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

– Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp (theo mẫu) – 02 bản
– Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp – 02 bản
– Bộ ảnh chụp/bản vẽ của kiểu dáng công nghiệp phải được thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp – 04 bộ
Bộ ảnh chụp/bản vẽ phải có đầy đủ hình phối cảnh và các hình chiếu (6 hình chiếu từ các phía trước, sau, trái, phải, trên xuống, dưới lên). Các ảnh chụp/bản vẽ phải được in hoặc gắn trên giấy khổ A4 không đóng khung. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.
– Biên lai thu phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Mức phí quy định trong Thông tư số 263/2016/TT-BTC) Mức phí cụ thể như sau:
Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;
Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;
Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;
Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;
Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.
Lưu ý: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại).

Mẫu mô tả kiểu dáng công nghiệp
Mẫu mô tả KDCN (Nguồn ipvietnam.gov.vn)

Khi nộp đơn cần phân loại KDCN theo bản Phân loại Locarno

Quy trình thẩm định đơn kiểu dáng công nghiệp

Thẩm định hình thức: 01 tháng
Đây là giai đoạn đánh giá tính hợp lệ của Đơn kiểu dáng công nghiệp để đảm bảo các yêu cầu về hình thức, quyền nộp đơn, bộ ảnh chụp… theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chấp nhận hay không chấp nhận tính hợp lệ của Đơn.
Thời gian thẩm định hình thức của Đơn kiểu dáng là 01 tháng từ ngày nộp đơn. Nếu Đơn kiểu dáng không được chấp nhận hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo từ chối chấp nhận hợp lệ và yêu cầu Chủ đơn sửa đổi, bổ sung thông tin chính xác trong 01 tháng kể từ ngày ra Thông báo.

Công bố Đơn trên Công báo sở hữu Công nghiệp: 02 tháng
Sau khi Chủ đơn nhận được Quyết định chấp nhận là hợp lệ, Đơn kiểu dáng công nghiệp sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu Công nghiệp – Tập A trong vòng 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.
Nội dung công bố đơn cụ thể là thông tin Chủ đơn, số đơn, ngày nộp đơn, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
Việc công bố thông tin là để thông báo về việc đăng ký kiểu dáng của Chủ đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, theo đó bên thứ ba có thể gửi yêu cầu phản đối cấp bằng nếu kiểu dáng được đăng trên Công báo SHCN vi phạm kiểu dáng của họ.

Thẩm định nội dung: 06 tháng
Đơn đăng ký kiểu dáng sau khi được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp sẽ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng bảo hộ. Thời hạn thẩm định nội dung cho Đơn kiểu dáng là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Các điều kiện đối với đơn kiểu dáng công nghiệp:

Điều 63. Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có tính mới;
2. Có tính sáng tạo;
3. Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Điều 64. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Điều 65. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp
1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Điều 66. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Điều 67. Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu đểchế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Nếu Đơn kiểu dáng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo từ chối bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp, và cho Chủ đơn phúc đáp trong 02 tháng kể từ ngày ra Thông báo. Chủ đơn có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian là 02 tháng nữa để làm Công văn phúc đáp Thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ.

Thông báo cấp bằng và yêu cầu đóng phí: 01 tháng
Khi Kiểu dáng công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Cục SHTT sẽ gửi Thông báo cấp bằng và yêu cầu đóng phí cho Chủ đơn. Trong vòng 01 tháng kể từ ngày ra Thông báo, Chủ đơn phải tiến hành nộp các khoản phí cấp bằng, nếu Chủ đơn không đóng phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ Đơn kiểu dáng công nghiệp với lý do không đóng phí.
Trong thời hạn từ 01 – 02 tháng kể từ ngày đóng phí cấp bằng, Bằng độc quyền kiểu dáng công  hiệu sẽ được cấp cho Chủ sở hữu kiểu dáng và được công bố, đăng bạ trên Công báo Sở hữu công nghiệp – Tập B

Gia hạn văn bằng bảo hộ
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày có Quyết định cấp bằng và có thể gia hạn hai lần, mỗi lần 05 năm.
Để đảm bảo rủi ro về việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp, Quý khách có thể tra cứu các kiểu dáng đã nộp đơn trước hoặc đã được cấp bằng trong cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc cơ sở dữ liệu quốc tế:
– Tra cứu sơ bộ trên thư viện điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ: http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn
– Tra cứu chính thức tại Cục Sở hữu trí tuệ (mất phí)

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan