Thứ Tư (24/04/2024)

Điều kiện mua nhà ở xã hội

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Điều kiện mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành? Muốn mua nhà ở xã hội cần đáp ứng điều kiện gì?

Thế nào là nhà ở xã hội?

Nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này”. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều dự án nhà ở xã hội như: CT3-CT4 Kim Chung, Ecohome Cổ Nhuế, Tòa 19T4 nhà ở xã hội Lucky House, Nhà ở xã hội AZ Thăng Long, Nhà ở xã hội Him Lam Thượng Thanh, Nhà ở xã hội Rise City Thượng Thanh,…

Đối tượng nào được hỗ trợ mua nhà ở xã hội

Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể:

Điều 49. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Cùng với đó, khoản 1 Điều 50 quy định: “Hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 49 của Luật này; đối với đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này thì chỉ được thuê nhà ở xã hội”.

Từ đó suy ra, những đối tượng được mua nhà ở xã hội bao gồm:
– Người có công với cách mạng.
– Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
– Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệ, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.
– Cán bộ, công chức, viên chức.
– Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ.
– Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Điều kiện được hỗ trợ mua nhà ở xã hội

Điều 51. Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này thì phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định sau đây:
a) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
b) Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này;
c) Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật này thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.

Từ quy định trên, để được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng những điều kiện sau:
– Nằm trong các trường hợp sau:
+ Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích dưới 28m2 sàn/người tại đô thị, dưới 26m2 sàn/người tại nông thôn.
+ Chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
+ Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở tại nơi sinh sống, học tập.
– Phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ 01 năm trở lên tại nơi có nhà ở xã hội.
– Các đối tượng là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động làm việc trong hoặc ngoài khu công nghiệp, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên.

Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội

Hồ sơ mua nhà ở xã hội: Hồ sơ mua nhà ở xã hội quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/ND-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 22. Hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Các đối tượng được quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội khi xin hỗ trợ nhà ở xã hội phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở và giấy tờ chứng minh về đối tượng, cụ thể như sau:
a) Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 49 của Luật Nhà ở phải có giấy tờ chứng minh về đối tượng theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng, xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp;
b) Đối tượng quy định tại các Khoản 4, 5, 6, 7 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở;
c) Đối tượng quy định tại Khoản 8 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có giấy xác nhận đã trả lại nhà ở công vụ do cơ quan quản lý nhà ở công vụ cấp;
d) Đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập;
đ) Đối tượng quy định tại Khoản 10 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong Danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
2. Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú như sau:
a) Trường hợp đối tượng đăng ký xin mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó;
b) Trường hợp đối tượng đăng ký xin mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại Điểm a Khoản này thì phải có bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú; bản sao có chứng thực hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm.
3. Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập như sau:
a) Các đối tượng quy định tại Khoản 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị mà người đó đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
b) Các đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 49 của Luật Nhà ở tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết.
4. Các đối tượng quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở phải đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Điều 51 của Luật Nhà ở, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người.
5. Bộ Xây dựng ban hành mẫu giấy tờ để thực hiện các quy định tại Điều này.

Theo đó, hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội bao gồm:
– Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD.
– Giấy tờ chứng minh về đối tượng được hưởng ưu đãi mua nhà ở xã hội:
+ Người có công với cách mạng: Dùng mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD.
+ Người lao động làm việc trong hoặc ngoài khu công nghiệp: Dùng mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD. Lưu ý: Trường hợp đã nghỉ việc thì theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này.
+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp: Dùng mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD.
+ Người đã trả lại nhà công vụ: Dùng mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD.
+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà ước bồi thường bằng nhà ở, đất ở: Dùng mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD.
– Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú và đóng bảo hiểm xã hội:
+ Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu/Giấy đăng ký hộ khẩu tập thể/Giấy xác nhận đăng ký tạm trú/Giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên/Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
– Giấy tờ chứng minh điều kiện thu nhập:
+ Người lao động làm việc trong hoặc ngoài khu công nghiệp, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức: Dùng mẫu số 08 Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 09/2021/TT-BXD. Lưu ý: Trường hợp đã nghỉ việc dùng mẫu số 09 Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này.
+ Người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo: Dùng mẫu số 09 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BXD.

Trình tự xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội

Trình tự xét duyệt hồ sơ với dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách

Bước 1: Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cung cấp các thông tin liên quan đến dự án để công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng tại địa phương nơi có dự án, đăng tải ít nhất 01 lần tại báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền địa phương và công bố tại Sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư.
Bước 2: Trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua và thời điểm bắt đầu bán, cho thuê, cho thuê mua cho Sở Xây dựng. Công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng tại địa phương nơi có dự án trong thời gian tối thiểu là 30 ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại dự án.
Bước 3: Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nộp hồ sơ cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bước 4: Chủ đầu tư tập hợp danh sách người đăng ký, lập danh sách người dự kiến được giải quyết theo thứ tự ưu tiên cho Sở Xây dựng.
Bước 5: Sở Xây dựng kiểm tra, sàng lọc những đối tượng không đủ điều kiện.
Bước 6: Chủ đầu tư ký kết hợp đồng mua, cho thuê, cho thuê mua, lập danh sách những đối tượng trên gửi cho Sở Xây dựng để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày.

Trình tự xét duyệt hồ sơ với nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng

Bước 1: Hộ gia đình, cá nhân báo cáo thông tin về dự án cho UBND cấp xã nơi xây dựng dự án nhà ở xã hội. Thông tin được công khai tại trụ sở UBND cấp xã.
Bước 2: Người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nộp hồ sơ về chủ hộ đầu tư xây dựng nhà ở.
Bước 3: Chủ hộ đầu tư xây dựng lập danh sách gửi về UBND cấp xã.
Bước 4: UBND cấp xã sao hồ sơ, gửi Sở Xây dựng để kiểm tra, sàng lọc.
Bước 5: UBND cấp xã thông báo cho chủ hộ đầu tư danh sách đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Bước 6: Người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua ký kết hợp đồng với chủ hộ đầu tư.

Một người có được thuê mua nhiều nhà ở xã hội không?

Theo nguyên tắc cho thuê, mua nhà ở xã hội tại khoản 1 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014, trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội. Vậy nên, một người chỉ được thuê, thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội.

Sinh viên đại học thuê nhà ở xã hội có được giảm giá không?

Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014, đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng. Hay nói cách khác, sinh viên đại học khi thuê nhà ở xã hội vẫn phải trả tiền thuê nhà và đóng phí dịch vụ như các trường hợp thuê nhà ở xã hội khác.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan