Thứ Bảy (20/04/2024)

Giao dịch vô hiệu do vượt quá phạm vi đại diện

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Giao dịch vô hiệu do vượt quá phạm vi đại diện là gì? Các trường hợp giao dịch vô hiệu do vượt quá phạm vi đại diện

Trong giao lưu dân sự, các chủ thể có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, song trong một số trường hợp nhất định, có thể thông qua hành vi của người khác. Đó là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Đại diện là một quan hệ pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLDS 2015:  Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó, người đại diện chỉ được nhân danh người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Trong trường hợp thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi thẩm quyền thì người đại diện phải chịu trách nhiệm về giao dịch đó. Cụ thể:

Điều 139. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện
1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
2. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
3. Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

Dù là người đại diện theo pháp luật hay đại diện theo ủy quyền thì hậu quả pháp lý khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện đều giống nhau. Phạm vi thẩm quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật do luật quy định, còn đối với đại diện theo ủy quyền thì phạm vi đó là phạm vi được ghi trong hợp đồng ủy quyền.

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm ảnh hưởng đến phần thuộc phạm vi đại diện. Tùy thuộc vào ý chí của các bên mà phần vượt quá phát sinh trách nhiệm giữa các bên khác nhau:

Người đại diện: phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên đã giao dịch với mình về phần vượt quá. Nếu gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải bồi thường cho họ. Đối với người đại diện, họ có nghĩa vụ phải thực hiện đúng phạm vi thẩm quyền. Do vậy, cho dù là lỗi vô ý hay cố ý đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên cũng cần xem xét trách nhiệm của họ trong một số trường hợp như tình thế cấp thiết, bất khả kháng,…

Người được đại diện: không phát sinh trách nhiệm khi không biết hoặc không đồng ý về phần vượt quá. Ngược lại, đương nhiên phải chịu trách nhiệm khi đồng ý hoặc biết mà không phản đối.

Người giao dịch: Có quyền yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ phần vượt quá hoặc toàn bộ giao dịch dân sự khi không biết hoặc không thể biết về việc vượt quá đó. Và ngược lại, không có quyền khi đã biết hoặc buộc phải biết. Nếu do lỗi cố ý mà gây thiệt hại cho bên được đại diện thì phải liên đới bồi thường thiệt hại với bên đại diện.

Như vậy, việc xác định trách nhiệm của các bên cũng như hậu quả pháp lý của phần vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện giúp cho việc giải quyết trong thực tế rõ ràng hơn, tránh xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Mặt khác đảm bảo việc đại diện đúng pháp luật, phù hợp với mong muốn của các bên khi tham gia quan hệ đại diện.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan