Kinh doanh khí cười có bị cấm không?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Kinh doanh khí N2O có bị cấm không? Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh khí N2O tại Việt Nam?
Nội dung bài viết
Khí cười là gì?
Khí cười hay còn được biết đến dưới tên khoa học là khí N2O có tên là Dinito Monoxit. Trong đời sống, khí N2O thường được biết đến rộng rãi hơn với cái tên khí cười – một loại cảm giác thường gặp ở những người sử dụng bóng cười. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh được biết đến là khí cười, khí N2O còn được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Nhưng không được sử dụng với mục đích giải trí.
Khí N2O được định nghĩa là một loại khí nguy hiểm với khả năng phát sinh ra ảo giác. Tuy nhiên, do không nằm trong danh mục tiền chất gây nghiện và chất hướng thần nên N2O hiện vẫn nằm ngoài vòng pháp luật, người sử dụng bóng cười không bị coi là vi phạm pháp luật. Nhưng đứng trước những ảnh hưởng của bóng cười đến sức khỏe, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng bóng cười với mục đích giải trí.
Công dụng của khí N2O trong cuộc sống
Khí N2O được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày ví dụ như công nghiệp, y tế và giải trí. Cụ thể:
Trong lĩnh vực công nghiệp:
+ Sử dụng trong công nghệ đóng gói thực phẩm, dược phẩm. Được sử dụng như một loại khí trơ bơm vào bao bì nhằm bảo quản thực phẩm, dược phẩm.
+ Làm bông kem tươi đã chế biến.
+ Dùng trong các thí nghiệm và phân tích, giám sát chất thải môi trường trong môi trường công nghiệp, phân tích tạp chất vi lượng,…
+ Được sử dụng trong tạo hỗn hợp khí hiệu chuẩn cho các ngành công nghiệp hóa dầu, sản xuất nito lỏng.
+ Được sử dụng để tăng năng suất cho các động cơ xe. Ngoài ra, N2O còn được dùng như 1 loại chất oxi hóa trong tên lửa.
+ Sử dụng trong các máy AAS, máy phân tích kim loại nặng.
+ Trong sản xuất các chất bán dẫn, khí N20 là nguồn oxy cho những các hóa chất lắng đọng hơi (CVD) của chất oxynitride silicon (pha tạp hoặc undoped) hoặc silicon)…
Trong lĩnh vực y tế:
+ Được dùng làm chất giảm đau thường được sử dụng chung với các khí khác tạo thành hỗn hợp (Ví dụ: N2O 50%/O2 50%) hay nguyên chất dùng để gây mê.
+ Được sử dụng để làm các phẫu thuật Cryo (lạnh sâu). Khí N2O trong y tế đã được chứng minh có hiệu quả trong 1 số biện pháp để cai nghiện rượu.
+ Là một thành phần quan trọng trong các loại thuốc an thần.
Bên cạnh những công dụng trên, khí N2O còn được sử dụng nhiều trong lĩnh vực giải trí với tác dụng khiến người dùng cảm thấy hưng phấn, vui vẻ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo về việc sử dụng khí cười quá lâu có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12,…. Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ như trường hợp 7 người tử vong do sử dụng bóng cười trong đêm nhạc hội “Du hành tới mặt trăng – Trip to the moon” đêm ngày 16/9/2018.
Có được kinh doanh khí N2O tại Việt Nam không?
Để biết có thể kinh doanh khí N2O tại Việt Nam hay không, ta đi từ 03 lĩnh vực khí N2O được sử dụng: y tế, công nghiệp và giải trí.
Trong lĩnh vực công nghiệp, căn cứ theo Phụ lục 2 Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP, khí N2O nằm tại số thứ tự 120. Vậy nên, trong lĩnh vực công nghiệp, khí N2O chỉ bị hạn chế sản xuất, kinh doanh chứ không bị cấm sản xuất, kinh doanh. Vậy nên, có thể kinh doanh khí N2O tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong lĩnh vực y tế, căn cứ theo danh mục chất ma túy, tiền chất ma túy, chất hướng thần quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP, Nghị định 60/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2018/NĐ-CP và Thông tư 47/2017/TT-BYT, khí N2O không có mặt trong danh mục chất ma túy, tiền chất ma túy, chất hướng thần. Vậy nên, khí N2O vẫn được sử dụng trong lĩnh vực y tế và có thể kinh doanh khí N2O tại Việt Nam trong lĩnh vực y tế.
Trong lĩnh vực giải trí, hiện không có quy định về việc cấm sử dụng khí cười trong giải trí, cũng như không có quy định xử phạt về việc sử dụng hay tổ chức sử dụng khí cười. Vậy nên, việc sử dụng và kinh doanh khí cười không phải là hành vi bị pháp luật cấm. Vậy nên, có thể kinh doanh khí N2O tại Việt Nam trong lĩnh vực giải trí.
Trình tự, thủ tục để kinh doanh khí N2O tại Việt Nam
Căn cứ trên Công văn 2954/BYT-KCB phúc đáp công văn 5051/UBND-KGVX, Bộ Y tế khẳng định khí N2O hiện thuộc quản lý của Bộ Công thương, Bộ Y tế hiện không tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang bị y tế có thành phần khí N2O. Tuy nhiên, công văn này cũng khẳng định khí N2O được sử dụng cho mục đích công nghiệp, không phải cho người.
Phúc đáp Công văn số 5051/UBND-KGVX ngày 17/10/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc khuyến cáo tác hại khí N2O và tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh, lưu hành khí N2O, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
Khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương quy định tại số thứ tự 120 Phụ lục số 02 Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất. Như vậy, khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 64 Luật hóa chất, Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 91/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BYT ngày 22/12/2017 về Danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng trong chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế tại Việt Nam, tuy nhiên trong Danh mục hóa chất ban hành kèm theo Thông tư số 47/2017/TT-BYT không có khí N2O. Hiện tại, Bộ Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O.
Trước những tác hại do việc người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh và đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí này đối với sức khỏe con người.
Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế kính chuyển đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội để nghiên cứu và chỉ đạo triển khai thực hiện./.
Để có thể kinh doanh khí N2O tại Việt Nam, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Xử phạt hành vi sử dụng, bán bóng cười
Theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP, hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Quay trở lại với vấn đề kinh doanh khí cười có bị xử phạt hay không? Trước tiên, bạn hoàn toàn có thể kinh doanh khí N2O tại Việt Nam với mục đích giải trí do không có quy định về việc cấm kinh doanh khí cười với mục đích giải trí tại Việt Nam. Tuy nhiên, khí cười được liệt kê vào danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và để có thể kinh doanh khí cười cần phải có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Hay nói cách khác, bất kể bạn kinh doanh khí cười vào mục đích công nghiệp, y tế hay giải trí, bạn đều phải xin Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Và với những điều kiện được đặt ra, một cơ sở kinh doanh khí cười với mục đích giải trí sẽ không thể đạt đủ điều kiện kinh doanh khí N2O và không được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Vậy nên, mặc dù khi kinh doanh khí cười, bạn không bị xử phạt vì hành vi kinh doanh khí cười nhưng có thể bị xử phạt vì hành vi kinh doanh khí cười mà không có Giấy phép với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.