Thứ Bảy (20/04/2024)

Nguyên tắc suy đoán vô tội

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Nguyên tắc suy đoán vô tội là gì? Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại đâu? Thực tiễn áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội?

Nguyên tắc suy đoán vô tội là gì?

Suy đoán vô tội là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc tôn trọng các giá trị cao quý của con người trong xã hội, một người có đủ tư cách công dân với các quyền, nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định, khi người đó chưa bị Tòa án (cơ quan có thẩm quyền xét xử) kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.

Suy đoán vô tội theo tiếng Anh là “presumption of innocence” hay “the right to be presumed innocent”, với nghĩa là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội.

Như vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội là những phương châm, định hướng quan trọng phải tuân theo trong TTHS. Theo đó, một người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi tội phạm của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại điều 31 hiến pháp 2013 và điều 13 bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

Điều 31.
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Hiến pháp Việt Nam 2013

Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Nguyên tắc suy đoán vô tội tại Việt Nam được quy định tại điều 10 Bộ luật TTHS năm 1988 quy định: Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội

Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Toà án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội một người, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thể phán quyết một người phạm tội, kể cả cơ quan điều tra, truy tố.

Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.

Ba là, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt do Luật TTHS quy định. Các cơ quan điều tra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ phải khách quan và đúng pháp luật. Nghiêm cấm các hình thức bức cung, nhục hình, “mớm cung”,… và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật.

Bốn là, việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên toà và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào. Mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo trình tự, thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo trình tự, thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.

Năm là, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Người bị buộc tội không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình và có quyền giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội?

Việc quy định nguyên tắc suy đoán vô tội có nhiều ý nghĩa trong đó quan trọng là:
– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chống oan sai trong quá trình thực hiện pháp luật
– Đặt ra yêu cầu cao hơn cho người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. Cơ quan điều tra có trách nhiệm chứng minh về tội phạm.
– Bảo vệ nhân dân tránh việc kết án vô căn cư

Ví dụ: Vụ án Lương Xuân C phạm tội Giết người theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 123 BLHS (Giết 02 người trở lên) xảy ra tháng 5/2021 tại huyện YB, tỉnh YB; sau khi vụ án được chuyển đến CQĐT Công an tỉnh để điều tra theo thẩm quyền thì bị can kêu oan, không phạm tội giết người. CQĐT và VKS đã tiến hành họp liên ngành  đánh giá tài liệu chứng cứ, chỉ đạo KSV phối hợp với ĐTV tiến hành thực nghiệm điều tra: dựng lại hiện trường, diễn lại tư thế, hành động, lời nói của bị can. Xác minh lời khai bị hại, nhân chứng về lời nói, hành động của bị can, đã làm rõ được: Khi đâm bị hại thứ 2, bị can Lương Xuân C không có lời nói: Tao đâm mày, tao giết mày…mà do bị can say rượu nên không làm chủ được hành vi của mình, đã dùng dao đe dọa và chỉ nhằm gây thương tích cho bị hại thứ 2. Sau đó CQĐT Công an tỉnh YB đã thay đổi tội danh đối với bị can Lương Xuân C từ tội “Giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích” đối với bị hại thứ 2. Thực tiễn trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội, bị can thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 bị hại, nhưng không chứng minh được C phạm tội: Giết 02 người trở lên, mà qua thu thập chứng cứ, tài liệu chỉ có cơ sở xác định hành vi phạm tội của Lương Xuân C phạm vào 02 tội: “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Trong vụ án này, các chứng cứ đã được kiểm tra, xác  thực, mọi nghi ngờ đã được kiểm tra, xác minh, làm rõ, chứng minh hành vi phạm tội của Lương Xuân C, chuyển từ tội danh nặng hơn, sang tội danh nhẹ hơn.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan