Thứ Năm (28/03/2024)

Bầu dồn phiếu là gì? Phương pháp bảo vệ cổ đông nhỏ

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Bầu dồn phiếu là gì? Quy định pháp luật về bầu dồn phiếu trong công ty cổ phần?

Bầu dồn phiếu là gì?

Bầu dồn phiếu là một trong những phương thức biểu quyết để thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty đối với trường hợp bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát của công ty cổ phần theo quy định tại khoản 3 điều 148 luật doanh nghiệp 2020 cụ thể:

Điều 148. Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
3. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

Theo đó, khi bầu thành viên HĐQT và BKS thì số phiếu tương ứng với số cổ phần sẽ được nhân với số thành viên được bầu tương ứng, sau đó xác định số người trúng cử theo số phiếu từ cao xuống thấp.

Số phiếu biểu quyết = tổng số cổ phần sở hữu X số thành viên được bầu

Ví dụ về bầu dồn phiếu

Nếu giả sử công ba cổ đông với tỷ lệ cổ phần là 10%, 22% và 68% và nhiệm kỳ này công ty sẽ bầu ra năm thành viên HĐQT. Nếu bầu theo cách bình thường thì quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi có 65% phiếu biểu quyết thì đương nhiên cả 5 người trong hội đồng quản trị đều là người của cổ đông chiếm 68% cố phần công ty mà không cần các cổ đông còn lại đồng ý.

Khi áp dụng phương pháp bầu dồn phiếu thì lại khác, tổng số phiếu biểu quyết sẽ tăng lên 5 lần theo số thành viên của HĐQT. Giả sử mỗi 1% vốn điều lệ = 1 cổ phần thì số phiếu biểu quyết ở đây của 3 cổ đông sẽ là 50, 110 và 340 phiếu. Tổng số phiếu sẽ là 500 phiếu để chia cho 5 người trong HĐQT theo số phiếu từ cao xuống thấp do vậy kết quả bầu sẽ quyết liệt hơn trong trường hợp các cổ đông muốn có người của mình tham gia quản lý công ty

Với ví dụ này, cổ đông với 110 phiếu chắc chắn chọn được cho mình 1 trong 5 thành viên HĐQT bằng cách bầu dồn 110 phiếu cho 1 ứng viên họ đề cử; cổ đông 68% có 300 phiếu sẽ lựa chọn được 3 ứng viên nên người cuối cùng sẽ phụ thuộc vào quyết định của 2 cổ đông còn lại. Kết quả sẽ phù hợp hơn đối với việc bầu cử thông thường.

Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty. Trường hợp này tuy ít xảy ra tuy nhiên không phải là không thể, chính vì vậy trước khi tiến hành thảo luận phương pháp bầu dồn phiếu nên thỏa thuận luôn quy chế bầu cử để rõ ràng hơn

Lưu ý: Đối với các trường hợp biểu quyết bầu hội đồng thành viên hoặc ban kiểm soát nếu điều lệ công ty không có quy định thì áp dụng phương pháp bầu dồn phiếu khi đó số phiếu biểu quyết sẽ bằng số cổ phần nhân với số thành viên được bầu. Trường hợp này sẽ có lợi hơn đối với các cổ đông có tỷ lệ cổ phần thấp nhưng muốn có vị trí trong hội đồng thành viên hoặc ban kiểm soát công ty.

Xem thêm: Cách ghi phiếu biểu quyết

Đề cử thành viên hội đồng quản trị

Theo quy định tại khoản 5 điều 115 luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc đề cử thành viên hội đồng quản trị như sau:

Điều 115. Quyền của cổ đông phổ thông
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:
a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

Về đề cử thành viên HĐQT, BKS đối với các cổ đông nhỏ có thể tập hợp thành các nhóm nhỏ để đề cử thành viên HĐQT, BKS theo quy định cụ thể tại điều lệ công ty và sử dụng công cụ bầu dồn phiếu (nếu có) để đề cử người và hội đồng quản trị (điều hành) các hoạt động của công ty. Áp dụng theo ví dụ trên, với nhóm cổ đông từ 10% cổ phần phổ thống có quyền đề cử người vào HĐQT và nếu áp dụng phương pháp bầu dồn phiếu (giả sử với 5 thành viên HĐQT) sẽ được lựa chọn thành viên cuối cùng trong các thành viên được đề cử. (Tỷ lệ chắc chắn có 1 thành viên HĐQT là trên 20%)

Cần lưu ý theo quy định hiện hành, việc bầu dồn phiếu sẽ thực hiện nếu điều lệ công ty không quy định khác. Vì vậy, công ty cổ phần có thể quyết định phương thức bầu thành viên HĐQT và BKS theo phương thức khác. Theo khuyến nghị của AZLAW công ty nên bầu lại toàn bộ các thành viên HĐQT khi có ít nhất 1 thành viên HĐQT bị miễn nhiệm, bãi nhiệm nếu áp dụng phương pháp bầu dồn phiếu hoặc bảo lưu kết quả bầu dồn phiếu với các thành viên đã được bầu để tránh trường hợp tranh chấp xảy ra khi thay đổi thành viên HĐQT, BKS.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan