Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra? Công ty hay người lao động phải bồi thường khi gây thiệt hại
Pháp nhân là tổ chức được thành lập một cách hợp pháp, theo cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Pháp nhân nhân danh chính mình khi tham gia vào các quan hệ độc lập, tuy nhiên khi tham gia vào các quan hệ này pháp nhân thường thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp. Vậy trong trường hợp khi có thiệt hại xảy thì việc bồi thường sẽ được thực hiện ra sao? Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Việc bồi thường thiệt hại do pháp nhân thực hiện được xác định như sau:
1. Chủ thể thực hiện bồi thường phải có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật:
– Được thành lập hợp pháp
– Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
– Nhân danh chính mình khi tham gia các quan hệ pháp luật độc lập.
Xem thêm: Tư cách pháp nhân là gì?
Do đó, nếu tổ chức không có tư cách pháp nhân mà thành viên của tổ chức đó nếu có gây ra thiệt hại thì pháp nhân không phải thực hiện bồi thường. Việc đặt ra trách nhiệm bồi thường cho pháp nhân trong trường hợp này do xuất phát từ nguyên tắc thiệt hại được khắc phục nhanh chóng và kịp thời mà thông thường pháp nhân có khả năng tài sản cao hơn khả năng của cá nhân. Chính bởi vậy, nếu người của pháp nhân gây ra thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ mà pháp nhân giao thì pháp nhân phải bồi thường cho người bị thiệt hại để tổn thất của người bị thiệt hại được khắc phục nhanh chóng kịp thời
2. Thiệt hại do thành viên của pháp nhân gây ra
Thành viên của pháp nhân ở đây bao gồm cả thành viên góp vốn và nhân viên được pháp nhân tuyển dụng thông qua các quan hệ về hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc…
3. Thiệt hại xảy ra trong khi thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao
Khi tham gia vào các quan hệ dân sự độc lập pháp nhân nhân danh chính mình để tham gia các quan hệ đó, cho nên thành viên của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao cho sẽ được hiểu là thành viên đó nhân danh pháp nhân để thực hiện hành vi. Vậy nên khi có thiệt hại xảy ra, trách nhiệm bồi thường trước hết sẽ thuộc về pháp nhân. Thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao cho được hiểu là: thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền mà pháp nhân đã giao cho họ và thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian mà người đó đang thực hiện công việc tại địa điểm công việc đó được tiến hành. Còn trong trường hợp thành viên của pháp nhân gây ra thiệt hại mà không phải thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao cho khi đó thành viên sẽ phải tự chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Lưu ý: Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại pháp nhân có thể yêu cầu thành viên của mình có lỗi trong việc gây ra thiệt hại hoàn trả lại số tiền mà pháp nhân đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Thành viên không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì thành viên đó không phải hoàn trả số tiền mà pháp nhân đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do trường hợp bất khả kháng ( bão, lũ, thiên tai…) thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ( nếu các bên không có thỏa thuận khác)