Thứ Năm (28/03/2024)

Di chúc là gì? Di chúc hợp pháp?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Di chúc là gì? Các loại di chúc hiện nay? Điều kiện hiệu lực và tính hiệu lực của di chúc

Di chúc là gì? Quy định pháp luật về di chúc? Di chúc dùng để làm gì? Các lại di chúc và cách lập di chúc

Di chúc là gì?

Di chúc là một khái niệm được quy định tại điều 624 bộ luật dân sự 2015 như sau

Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Theo đó, một người trước khi chết có thể để lại tài sản cho người khác bằng cách lập di chúc. Theo quan điểm của một số nhà khoa học nghiên cứu về pháp luật thời kỳ La Mã: Di chúc là việc định đoạt tài sản của con người trong trường hợp lúc qua đời với nội dung có sự chỉ định rõ người thừa kế. Như vậy ở thời kỳ La Mã, di chúc đã được ghi nhận là việc định đoạt tài sản của con người. trong đó ý chí của chính người để lại di sản về việc chuyển tài sản của mình cho ai (người thừa kế) phải được ghi vào phần đầu của di chúc. Điều này cho thấy, pháp luật thực định tại Việt Nam khi quy định về di chúc cũng phản ánh sự tiếp thu pháp luật thời kỳ La Mã.

Quan điểm lập pháp ở Việt Nam qua các thời kỳ đề cho rằng, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Khái niệm về di chúc được giữ nguyên từ lần ghi nhận đầu tiên tại BLDS năm 1995 cho đến hiện tại. Mặc dù việc sử dụng từ ngữ có thể khác nhau nhưng đều xác định di chúc là mong muốn, là ý chí dịch chuyển di sản của người trước khi chết cho người còn sống sau khi họ chết.

Xem thêm: Các loại di chúc

Đặc điểm của di chúc

Với quan niệm trên, di chúc mang những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, di chúc là phương tiện truyền đạt thông tin. Thông qua bản di chúc, có một lượng thông tin được cung cấp nhưng người hưởng di sản, số di sản…

Thứ hai, việc lập di chúc là giao dịch đơn phương. Việc lập di chúc là giao dịch đơn phương vì những lý do sau: (1) Di chúc là sự thể hiện ý chí của một cá nhân nhằm làm phát sinh hậu quả pháp lý; (2) người thừa kế (một bên chủ thể trong quan hệ thừa kế) chỉ có thể thể hiện ý chí của mình sau khi người lập di chúc chết; (3) cá nhân lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc bất cứ khi nào. Những đặc trưng này cho thấy, việc lập di chúc khác về bản chất so với khế ước (hợp đồng – giao dịch nhiều bên).

Thứ ba, nội dung di chúc thể hiện mục đích dịch chuyển di sản của người chết cho người còn sống. Ý chỉ của cá nhân khi lập di chúc sẽ không thể được pháp luật điều chỉnh nếu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các chủ thể khác. Do đó, nội dung của di chúc cần phải đảm bảo sự dịch chuyển tài sản và hệ quả pháp sinh quyền sở hữu đối với chủ thể nào đó.

Thứ tư, di chúc là loại giao dịch chỉ pháp sinh hiệu lực khi người lập di chúc chết. Di chúc là phương tiện phản ánh ý chí, mong muốn định đoạt di sản của cá nhân sau khi chết. Di chúc phản ánh quá trình hình thành chế định thừa kế theo di chúc. Quan hệ về thừa kế chỉ phát sinh khi có sự kiện một người chết nên việc lập di chúc chỉ có thể phát sinh hiệu lực khi người lập chết.

Thứ năm, di chúc là loại giao dịch có nhiều nét đặc thù. Như trên đã phân tích, việc lập du chúc là loại giao dịch chỉ phát sinh hiệu lực khi người lập di chúc chết. Do đó, có thể khẳng định những nét đặc thù của việc lập di chúc đều xuất phát từ căn nguyên này. Một vài nét đặc thù có thể kể đến như: (1) Điều kiện về người lập di chúc yêu cầu khắc khe hơn so với các loại giao dịch khác; (2) Tính tự nguyện trong di chúc cũng được loại bỏ yếu tố nhầm lẫn; (3) Di chúc trọng hình thức hơn so vói các giao dịch thông thường.

Điều kiện hợp pháp của di chúc

Di chúc được chia làm 2 loại chính là:
– Di chúc bằng văn bản (có/không người làm chứng/công chứng) có thể đánh máy hoặc viết tay (xác nhận chữ ký và điềm chỉ)
– Di chúc miệng (chỉ lập khi không thể lập được di chúc bằng văn bản, huỷ bỏ nếu sau 3 tháng người lập vẫn minh mẫn, sáng suốt)
Di chúc hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điều 630, 631 của bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 631. Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Xem thêm: Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Hiệu lực của di chúc

Hiệu lực của di chúc hiệu lực khi người để lại di chúc chết (thời điểm mở thừa kế). Tuy nhiên, di chúc sẽ hết hiệu lực ngay sau khi người để lại di chúc có bản di chúc mới

Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Lưu ý: Theo quy định về hạn chế phân chia di sản tại điều 661 bộ luật dân sự 2015 quy định về việc hạn chế phân chia di sản người lập di chúc có thể chỉ định để phân chia tài sản sau thời hạn nhất định, không nhất thiết phải là khi người để lại di sản chết đi.

Điều 661. Hạn chế phân chia di sản
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Mẫu di chúc tham khảo

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–—–
DI CHÚC

Hôm nay, ngày …. Tháng….năm 20…, tại …

Tôi tên là:   Nguyễn Thị A
Sinh năm:  18/08/1958
Hộ khẩu thường trú:
Trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, tôi quyết định lập bản di chúc này để định đoạt tài sản của tôi. Nội dung Di chúc như sau:

Tài sản để lại:
Quyền sử dụng 158m2  đất, trên đất có 4 gian nhà cấp 4, thuộc thửa đất số 01,  tờ bản đồ số 23; địa chỉ thửa đất: Thôn A, Thị trấn Như Quỳnh, Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên
– Hướng Đông giáp nhà ông Nguyễn Văn A: dài 17.5m;
– Hướng Tây giáp nhà ông Nguyễn Văn B: dài 19m;
– Hướng Nam giáp nhà bà Nguyễn Thị C: dài 6,9 m;
– Hướng Bắc giáp đường tỉnh lộ:  dài 7,8 m;
Quyền sử dụng đất trên là tài sản của riêng tôi.

Bằng bản di chúc này, tôi định đoạt toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nêu trên cho con trai tôi là: Nguyễn Văn D (sinh năm 1979, số CMTND:1245678900  cấp ngày 30 tháng 11 năm 2013 tại Hà Nội).
Sau khi tôi qua đời, tôi mong muốn các con, các cháu thương yêu đùm bọc nhau, tuyệt đối tôn trọng ý chí của tôi thể hiện trong bản Di chúc này, tuyệt đối không được tranh chấp, khiếu kiện gì.
Để đảm bảo rõ ràng, khách quan, tự nguyện, không bị ai đe dọa, lừa dối hay ép buộc trong việc lập Di chúc; tôi có nhờ những người làm chứng sau:

1. Bà Nguyễn Thị H – Là em gái ruột của tôi
Hộ khẩu thường trú: Thôn A, Thị trấn Như Quỳnh, Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên

2. Bà Lương Thị F – là cháu dâu gọi tôi là bác
Hộ khẩu thường trú: Thôn A, Thị trấn Như Quỳnh, Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên

Người làm chứng nêu trên là do tôi tự lựa chọn và mời đến, họ không thuộc những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của tôi, không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung Di chúc và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Bản Di chúc này gồm 02 (hai) trang; được lập thành 01 bản, Giao cho con trai tôi là Nguyễn Văn D, có trách nhiệm bảo quản và công bố Di chúc khi tôi qua đời;

Người làm chứngNgười lập di chúc
(Ký, ghi họ tên)(Ký, ghi họ tên)

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan