Thứ Bảy (27/04/2024)

Thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tiền

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Cách xác định thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vay trong trường hợp hết thời hạn mà bên vay chưa trả được nợ?

Thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay trong trường hợp bên vay không trả được nợ? Theo điều 155 bộ luật dân sự 2015 quy định như sau

Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
4. Trường hợp khác do luật quy định.

Ngoài ra, tại điều 429 Bộ luật dân sự 2015 có quy định thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vay là 3 năm

Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Theo đó, trong trường hợp bên vay tiền không trả được nợ sẽ phát sinh số tiền gốc và tiền lãi. Căn cứ các quy định trên:
Đối với số tiền gốc: Không phát sinh thời hiệu khởi kiện do đây là bảo vệ quyền sở hữu
Đối với số tiền lãi: Thời hiệu khởi kiện là 3 năm (thường là thời điểm kết thúc hợp đồng) khi người quyền có quyền cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm

Cụ thể, VKSNDTC hướng dẫn cách xác định thời hiệu khởi kiện trong trường hợp hợp đồng cho vay hết hạn mà bên vay chưa trả được nợ tại Câu 4 Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 có trả lời vướng mắc từ thực tiễn như sau:

Câu 4. Về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện
Ngày 01/01/2017, ông A vay của Ngân hàng 01 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 12%/năm, ngày hết hạn hợp đồng là ngày 01/01/2018. Đến hạn hợp đồng ông A không trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, nhưng Ngân hàng không khởi kiện. Ngày 01/4/2021, Ngân hàng mời ông A lên làm việc để thống nhất số tiền vốn, lãi còn nợ và đưa ra phương án trả nợ, tại buổi làm việc ông A thừa nhận còn nợ Ngân hàng 01 tỷ tiền nợ gốc và 200 triệu đồng tiền lãi, nhưng ông A vẫn không trả vốn và lãi mặc dù được Ngân hàng nhắc nhở nhiều lần. Ngày 01/7/2021, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ gốc và lãi. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, ông A yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện của Ngân hàng được tính từ ngày hết hạn hợp đồng là 01/01/2018 hay ngày ông A thừa nhận nợ 01/4/2021?
Trả lời:
– Đối với yêu cầu trả tiền nợ gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện do đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS).
– Đối với yêu cầu trả tiền lãi, thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS).
Trong vụ án trên, mặc dù ông A vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ 01/01/2018 nhưng Ngân hàng không có ý kiến gì. Đến 01/4/2021, Ngân hàng mời ông A lên làm việc để thống nhất số tiền vốn, lãi còn nợ và đưa ra phương án trả nợ. Do đó, có thể hiểu Ngân hàng đã đồng ý gia hạn nợ cho ông A, giữa Ngân hàng và ông A có thỏa thuận mới về thời hạn trả nợ. Do đó, thời hạn 03 năm được tính từ ngày ông A vi phạm nghĩa vụ trả nợ sau khi đã chốt lại nợ với Ngân hàng.

Khoảng thời gian nào không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự? Căn cứ Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan