Hành vi pháp lý đơn phương là gì? So sánh với hợp đồng?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hành vi pháp lý đơn phương là gì? Điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý đơn phương? Trường hợp nào áp dụng hành vi pháp lý đơn phương?
Hành vi pháp lý đơn phương là gì?
Theo Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Như vậy: Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự, trong đó thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc bên còn lại trong quan hệ.
Điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý đơn phương
Do hành vi pháp lý đơn phương được xác lập theo ý chí của một bên chủ thể nên trong nhiều trường hợp hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi những người khác đáp ứng những điều kiện nhất định do chủ thể xác lập giao dịch này đưa ra.
Điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý đơn phương
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
– Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
– Không thuộc trường hợp vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác:
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đọa đức xã hội
+ Giao dịch dân sự do giả tạo
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình
+ Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức
Xem thêm: Ủy quyền có cần hai bên cùng ký
Hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 275 Bộ luật dân sự 2015. Hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ xác lập quyền dân sự trong quan hệ hứa thưởng và thi có giải. Khoản 1 Điều 572 Bộ luật dân sự 2015 về trả thưởng quy định: “Trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng”.
Khoản 3 Điều 573 Bộ luật dân sự 2015 về thi có giải quy định: “Người đoạt giải có quyền yêu cầu người tổ chức thi trao giải thưởng đúng mức đã công bố”. Như vậy, nếu các hành vi pháp lý đơn phương đáp ứng các quy định từ Điều 570 đến Điều 573 BLDS 2015 sẽ là căn cứ xác lập quyền dân sự về nhận thưởng, nhận giải thưởng.
Tuy nhiên, không phải hành vi pháp lý đơn phương nào cũng xác lập quyền dân sự. Ví dụ như việc chấm dứt quyền sở hữu của một người đối với một tài sản. Theo Điều 239 Bộ luật dân sự 2015 “Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó”. Ta thấy một trong những căn cứ đó là chủ sở hữu từ bỏ quyền chiếm hữu của mình, không làm phát sinh, thay đổi quyền hay nghĩa vụ của chủ thể khác . Kết hợp với Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Từ đó để phân biệt hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự với hành vi pháp lý đơn phương không là giao dịch dân sự.
Ngoài ra, có một số trường hợp hầu như không đáp ứng điều kiện gì để tham gia giao dịch dân sự có dạng hành vi pháp lý đơn phương như: lâp di chúc, từ chối hưởng thừa kế,…
Ví dụ về hành vi pháp lý đơn phương: Ông A ủy quyền cho ông B thực hiện công việc. Khi thực hiện việc ủy quyền này bằng hành vi pháp lý đơn phương thì không cần ông B phải ký trên văn bản ủy quyền do ông A cung cấp.
So sánh hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng
– Hợp đồng là thỏa thuận, ý chí của các bên, hành vi pháp lý đơn phương thì chỉ là ý chí từ một bên làm phát sinh quyền, nghĩa vụ bên bên đơn phương và đối tượng trong hành vi pháp lý đơn phương.
– Cả hợp đồng và hành vi pháp ý đơn phương đều là giao dịch dân sự theo quy định pháp luật có đầy đủ tính chất của giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015 hiện hành.