Thứ năm (12/09/2024)

Đặt cọc là gì? Các quy định pháp luật về đặt cọc

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Đặt cọc là gì? Các vấn đề cơ bản liên quan tới đặt cọc và phạt cọc. Hướng dẫn lập hợp đồng đặt cọc

Đặt cọc là biện pháp đảm bảo thường thấy được sử dụng hàng ngày qua các giao dịch mua bán. Có thể ở đâu đó bạn đã nghe tới các nội dung như đặt cọc mua bán nhà, đặt cọc mua đất, đặt cọc mua xe, đặt cọc thực hiện hợp đồng…Vậy đặt cọc là gì?

Đặt cọc là gì?

Khái niệm về đặt cọc được quy định tại khoản 1 điều 328 luật dân sự 2015 cụ thể như sau:

Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tài sản sử dụng để đặt cọc: Tài sản đặt cọc không chỉ là tiền mà còn có thể là những tài sản có giá trị khác, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, mô tô, tàu bay, tàu biển… và đây cũng là những tài sản có giá trị lớn nên khi dùng để đặt cọc cần thiết phải bằng văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc phải được đăng ký giao dịch bảo đảm nếu các đối tượng bảo đảm bắt buộc phải được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Giá trị tài sản đặt cọc nhỏ hơn hoặc bằng giá trị bảo đảm.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong đặt cọc: được quy định tại điều 38 nghị định 21/2021/NĐ-CP

Điều 38. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong đặt cọc, ký cược
1. Bên đặt cọc, bên ký cược có quyền, nghĩa vụ:
a) Yêu cầu bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
b) Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc, tài sản ký cược hoặc đưa tài sản đặt cọc, tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược đồng ý;
c) Thanh toán cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược.
Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
d) Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược được sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
2. Bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược có quyền, nghĩa vụ:
a) Yêu cầu bên đặt cọc, bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược;
b) Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng; sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;
c) Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược;
d) Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc, bên ký cược;
đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Xử lý tài sản đặt cọc: Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đã đặt cọc trả lại cho bên đặt cọc hoặc trừ vào phần nghĩa vụ của chủ tài sản đặt cọc. Nếu bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; còn nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiên hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. (Khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự 2015)

PHẠT CỌC được hiểu là bên nhận đặt cọc vi phạm cam kết, không thực hiện hợp đồng đã xác lập thì ngoài việc phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc còn bị phạt một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc.

Do bản chất của đặt cọc là thỏa thuận dân sự giữa các bên nên các bên có thể thỏa thuận phạt cọc gấp 2 đến nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc và thỏa thuận phạt cọc này phải ghi trong hợp đồng. Đối tượng của phạt cọc chỉ có thể là tiền, khi bên nhận đặt cọc vi phạm cam kết thì sẽ bị phạt tiền, số tiền tương ứng với giá trị tài sản đặt cọc.

Hợp đồng đặt cọc vô hiệu trong trường hợp sau:
– Người tham gia đặt cọc không có năng lực hành vi dân sự
– Người tham gia giao dịch bị lừa dối, cưỡng ép
– Tài sản đặt cọc là loại tài sản pháp luật cấm lưu thông
– Nội dung giao dịch trái quy định của pháp luật
– Giao dịch đặt cọc không lập thành văn bản theo quy định.

Một số vấn đề liên quan tới đặt cọc

1. Việc đặt cọc có phải lập thành văn bản không? Hợp đồng đặt cọc có cần công chứng không?
Trước đây việc đặt cọc theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 bắt buộc lập thành văn bản tuy nhiên Bộ luật dân sự 2015 thì không bắt buộc. Nếu đặt cọc bằng văn bản cũng không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên nếu lập thành văn bản và công chứng thì sẽ dễ dàng hơn khi xảy ra tranh chấp
2. Phân biệt đặt cọc và trả tiền trước. Theo điều 37 nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định “Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.”

Mới đây tại báo cáo số 1083/VKSTC-V9 ngày 26/03/2024 trả lời một số vướng mắc liên quan tới hợp đồng đặt cọc như sau:

Câu 37. Trường hợp các bên thỏa thuận số tiền phạt cọc cao hơn giá trị tài sản đặt cọc quy định tại khoản 2 Điều 328 BLDS thì thỏa thuận này có được Tòa án chấp nhận không? (VKS Bà Rịa – Vũng Tàu)
Trả lời: Theo Điều 328 BLDS năm 2015 thì các bên có thể thỏa thuận mức phạt cọc cao hơn giá trị tài sản đặt cọc. Tuy nhiên, nếu mức phạt cọc quá cao so với giá trị tài sản đặt cọc, vượt quá khả năng chi trả của người nhận đặt cọc thì cho dù trước đó các bên đã có thoả thuận, Tòa án vẫn có thể không chấp nhận.

Câu 38. Trường hợp người nhận đặt cọc là người không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do đất chưa được đấu giá, chưa được tách thửa…) hoặc là người môi giới thì hợp đồng đặt cọc có bị vô hiệu không? (VKS Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang)
Trả lời:
1. Hiện nay, quy định của pháp luật trực tiếp về hợp đồng đặt cọc chỉ có Điều 328 BLDS, Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (Mục 1 Phần I hướng dẫn về trách nhiệm chịu phạt cọc) và Án lệ số 25/2018.
Hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 BLDS và vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được theo Điều 408 BLDS, tức là vi phạm các điều kiện bảo đảm tính hợp pháp của giao dịch, giao dịch tồn tại là không hợp pháp.
Nếu hợp đồng đặt cọc hợp pháp nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì có thể là căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo Điều 423 BLDS.
2. Do việc đặt cọc là để bảo đảm cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên người nhận đặt cọc phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp (là người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nếu người nhận đặt cọc không phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp thì hợp đồng đặt cọc vô hiệu do vi phạm điều kiện về chủ thể.
Tuy nhiên, trong vụ án cụ thể, nếu có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh người nhận đặt cọc là người được chủ sử dụng đất ủy quyền hợp pháp hoặc là người đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn tất việc sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp hoặc hợp đồng chuyển nhượng không tuân thủ quy định về hình thức nhưng đã thực hiện được ít nhất 2/3 nghĩa vụ trả tiền, giao đất) thì Tòa án có thể công nhận hợp đồng đặt cọc.

Các vấn đề khi soạn thảo hợp đồng đặt cọc
– Ghi rõ giá trị đặt cọc, giá trị giao dịch mà hợp đồng đặt cọc dùng để đảm bảo. Một số trường hợp không ghi rõ giá trị giao dịch, khi xảy ra có tranh chấp đẩy giá trị giao dịch lên cao để bên đặt cọc không thể thực hiện
– Xác định cụ thể thời gian đặt cọc từ thời điểm nào đến thời điểm nào? Hình thức, địa điểm thanh toán tiền cọc, mức phạt cọc đối với trường hợp hủy giao dịch
– Cách thức giải quyết tranh chấp, tòa án giải quyết tranh chấp. Thông thường khi giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án, tòa án giải quyết tranh chấp sẽ là tòa nơi bị đơn cư trú, tuy nhiên hai bên có thể thỏa thuận tòa án giải quyết để việc xử lý đơn giản hơn.
Mức phạt cọc do hai bên quy định, tại khoản 2 điều 328 quy định nếu không có thỏa thuận thì mức phạt cọc sẽ tương đương với mức đặt cọc, tuy nhiên hai bên có thể thỏa thuận mức phạt cọc cao hơn hoặc thấp hơn theo nhu cầu.

Xem thêm
Ký quỹ
Bảo lưu quyền sở hữu
Đặt cọc
Cầm cố

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan