Các loại tội phạm theo quy định? Có bao nhiêu loại tội phạm?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Tội phạm được chia làm mấy loại? Quy định cụ thể về các loại tội phạm như thế nào? Cách xác định các loại tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự mới nhất
Tội phạm được quy định tại điều 8 bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội:
Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm được phân thành các loại như sau:
Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Xem thêm: Độ tuổi nào phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tại sao phải phân loại tội phạm
Việc phân loại tội phạm có 2 ý nghĩa về mặt lý luật và thực tiễn cụ thể như sau:
Về mặt lý luận
– Xác định và xây dựng các biện pháp pháp lý hình sự tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, xác định chính sách hình sự cụ thể đối với từng hành vi phạm tội cụ thể
– Triển khai chính sách hình sự thông qua nhận thức và phản ứng của Nhà nước đối với các tội có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì có biện pháp xử lý khác nhau
– Tạo ra cơ sở để xây dựng các chế định về tội phạm và hình phạt, là cơ sở thống nhất để xây dựng các khung hình phạt cho tội phạm cụ thể.
– Xác định đường lối đấu tranh với các tội phạm khác nhau cũng dựa trên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm
– Tạo tiền đề cho việc nhận thực đúng bản chất của tội phạm, đánh giá đúng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, là cơ sở để hoàn thiện pháp luật hình sự.
Về mặt thực tiễn
– Áp dụng nhiều quy phạm đối với các loại tội phạm như: tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chế định các giai đoạn phạm tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
– Chi phối đối với việc áp dụng một số chế định của luật tố tụng hình sự. Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; các quy định về thời hạn đưa vụ án ra xét xử hoặc ra các quyết định cụ thể đối với từng loại tội phạm cụ thể.
– Việc phân loại tội phạm chẳng những hỗ trợ cho việc áp dụng đúng luật mà nếu nhìn rộng ra, nhà làm luật còn có thể dựa vào tính nguy hiểm cho quan hệ xã hội mà nó xâm hại để đánh giá, nhằm bảo vệ cho chế độ chính trị hiệu quả hơn.