Thứ Tư (24/04/2024)

Tội giết người do trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Giết người khi bị kích động xử lý như thế nào? Hậu quả pháp lý khi làm chết người trong khi đang bị kích động tinh thần.

Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hành vi giết người do trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tình tiết định khung hình phạt giảm nhẹ của tội giết người. Tuy nhiên từ bộ luật hình sự 1999 và đến 2017 hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định thành một tội riêng.

Cơ sở pháp lý của tội giết người khi bị kích động

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 125, Bộ luật hình sự năm 2017 như sau:

Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Cấu thành tội phạm của tội giết người khi bị kích động

Về chủ thể: Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 trở lên.

Khách thể: Xâm phạm quan hệ nhân thân cụ thể là quyền sống của con người được pháp luật bảo vệ.

Mặt khách quan: Hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Hậu quả: Bắt buộc phải có hậu quả là nạn nhân chết.

Mối quan hệ nhân quả: Hành vi giết người do trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chính là nguyên nhân dẫn tới cái chết của nạn nhân.

Mặt chủ quan: Có thể là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp.
Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng vì mong muốn hậu quả đó xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (có ý thức chấp nhận hậu quả đó).

Như vậy, giết người trong trạng thái tinh thàn bị kích động mạnh là trường hợp giết người có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, vì người phạm tội đã thực hiện hành vi giết người trong tình trạng khả năng nhận thức và kiềm chế đều bị hạn chế ở mức độ cao và hơn nữa tình trạng đó lại do chính nạn nhân gây ra. Do vậy, khung hình phạt được quy định cho tội này đều có mức thấp. Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 có mức từ 6 tháng đến 3 năm tù, khung tăng nặng có mức phạt từ 3 năm đến 7 năm tù.

Như thế nào là tình trạng tinh thần bị kích động mạnh?

Theo Nghị quyết số 04/HĐTP này 29/11/1986 của HĐTP TANDTC thì

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh

Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội là do chính hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân của người phạm tội gây ra. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân này có thể cấu thành tội phạm hoặc chưa đến mức cấu thành tội phạm.

Như vậy, chỉ khi nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với chính người phạm tội hoặc người khác có quan hệ tình cảm thân thiết với người phạm tội, làm cho người phạm tội lâm vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều này.

Tại Bản án 08/2018/HS-PT ngày 05/02/2018 về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm có nội dung như sau:

“Ông Hoàng Văn L1, sinh năm 1968, trú tại Xóm C, xã Hòa T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, là bố của Hoàng Công M, thường xuyên đi uống rượu về rồi đánh chửi vợ con và nhiều lần đập phá đồ đạc trong nhà. Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 24/8/2017, Hoàng Công M đi làm về thấy đồ đạc trong nhà bị ông L1 đập phá nên đã bực tức, lúc đó thấy ông L1 bảo con gái là Hoàng Thị T2 đi phơi quần áo hộ, thì M đã can không cho chị đi nên ông L1 đã dùng tay phải đấm vào đầu M. Bị bố đánh, M chạy ra cửa thì ông L1 đuổi theo ra đến hiên, M chạy ra đến sân nhìn thấy một đoạn gậy bằng tre màu trắng – vàng dài 1,27m, đường kính một đầu là 4,2cm, một đầu là 4,4cm cạnh bờ rào liền dùng tay phải cầm lấy rồi quay lại thấy ông L1 đang đứng trên thềm M liền bước lên dùng gậy đập một phát từ trên xuống trúng vào đầu làm ông L1 ngã ra thềm. M đập tiếp phát thứ hai, ông L1 giơ tay phải lên đỡ thì bị trúng vào tay, bị M đánh ông L1 vùng dậy chạy vào buồng phía đầu hồi nhà thì M đuổi theo dùng hai tay cầm gậy đập nhiều phát vào hai chân làm ông L1 bị ngã ở cửa buồng, ông L1 bò vào trong buồng M vẫn bực tức nên vào theo đập mấy phát nữa vào hai chân ông L1 thì ông L1 xin tha và được mọi người can ngăn nên M dừng lại để mọi người đưa ông L1 đi cấp cứu. Sau đó ông L1 được đưa đến Trung tâm Y tế huyện L điều trị thương tích”.

Vụ án xảy ra do lỗi của người bị hại chính là bố đẻ của bị cáo, đã thường xuyên uống rượu về chửi đánh vợ con, đập phá tài sản và còn bán tháo tài sản của gia đình chi dùng cá nhân vào việc không lành mạnh, sau đó còn đánh đuổi bị cáo; điều đó đã gây bức xúc, kích động mạnh về tinh thần của bị cáo nên bị cáo đã dùng gậy đánh lại bố .

Vì thế, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Hoàng Công M 24 (Hai mươi tư) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan