Thứ sáu (04/10/2024)

Lỗi trong cấu thành tội phạm

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật. Khái niệm về lỗi trong cấu thành tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm là dấu hiệu quan trọng trong cấu thành tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm được biểu hiện thông qua ba yếu tố: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Trong đó, lỗi là dấu hiệu quan trọng nhất, là nội dung cơ bản thể hiện mặt chủ quan của cấu thành tội phạm, không xác định được lỗi thì không thể cấu thành tội phạm. Để phân biệt được dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm, AZLAW xin đưa ra những phân tích sau đây:

Khái niệm về lỗi trong luật hình sự:

Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý

Một hành vi bị xem là tính có lỗi khi có đủ hai điều kiện:
– Hành vi trái pháp luật hình sự.
– Hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của người thực hiện hành vi khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái pháp luật hình sự.

Để xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội  có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó hay không, ta cần xác đinh tính có lỗi của tội phạm. Khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội khi hội đủ hai điều kiện:
– Không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
– Đạt độ tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành.

Các hình thức lỗi:

Nội dung cơ bản cùa lỗi được hợp thành bởi hai yếu tố cơ bản là lý trí và ý chí. Sự kết hợp khác nhau giữa lý trí và ý chí tạo nên các hình thức lỗi khác nhau:

Lỗi cố ý trực tiếp
Về lý trí: Người thực hiện hành vi nhận thức rõ tính chất nguy hiểm trong hành vi của mình, thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể hoặc tất yếu xảy ra.
Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra
Ví dụ: A và B có mâu thuẫn từ lâu, A dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực B với mong muốn giết B để trả thù.

Lỗi cố ý gián tiếp
Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra do chính hành vi của mình.
Ví dụ: ô tô của A bị hỏng phanh tuy nhiên A vẫn điều khiển ô tô của mình tham gia giao thông và đã gây tai nạn khiến chị B tử vong.

Lỗi vô ý vì quá tự tin
Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.
Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, “nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”. Người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hại cho xã hội nhưng tin rằng với khả năng, kinh nghiệm, với các biện pháp mình áp dụng, cách thức, phương tiện thực hiện, các điều kiện chủ quan, khách quan khác mà hậu quả tác hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được…nhưng hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra.
Ví dụ: trong khi đi chơi A bơi giỏi và biết B không biết bơi nhưng A đã cố tình đẩy B xuống nước để chêu đùa và nghĩ rằng mình có thể cứu B. Tuy nhiên do mải đùa cợt A đã không để ý dẫn đến việc B bị chết đuối.

Lỗi vô ý do cẩu thả
Về lý trí: người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội mặc dù người đó có trách nhiệm phải thấy trước hậu quả hoặc có thể thấy trước hậu quả xảy ra.
Về ý chí: Vì không thấy trước được hậu quả xảy ra nên người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
Ví dụ: A do tức giận đã ném viên đá ra đường, chính lúc ấy B chạy xe máy ngang qua và bị viên đá văng trúng đầu dẫn đến tai nạn tử vong.

Ở hình thức lỗi này, người phạm tội không nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Có thể có hai trường hợp người phạm tội không thấy trước được hậu quả của hành vi:
Trường hợp thứ nhất, người phạm tội không nhận thức được khả năng gây ra hậu quả từ hành vi của mình và cũng không nhận thức được hậu quả xảy ra. Ví dụ: bảo vệ ngủ quên dẫn đến tài sản của công ty bị mất trộm.
Trường hợp thứ hai, người phạm tội có thể nhận thức khả năng gây ra hậu quả từ hành vi của mình nhưng không nhận thức được hậu quả xảy ra. Ví dụ: Một người băng ngang đường một cách vô thức (không nhìn trước nhìn sau) làm cho hai xe chạy ngược chiều nhau vì tránh người này mà xảy ra tai nạn làm hai người lái xe tử vong.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan