Cấp dưỡng là gì? Quy định pháp luật về cấp dưỡng?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Cấp dưỡng là gì? Quy định về mức cấp dưỡng, đối tượng cấp dưỡng? Các trường hợp phải cấp dưỡng theo quy định pháp luật
Nội dung bài viết
Nghĩa vụ cấp dưỡng là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của luật này.
Vậy, cấp dưỡng là việc một người trợ cấp cho người không sống chung nhưng có quan hệ gia đình với mình khi người đó chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và không có khả năng tự nuôi mình.
Ai là người được cấp dưỡng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em ruột với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, bác, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bao gồm có:
– Con cái yêu cầu cha mẹ cấp dưỡng.
– Cha, mẹ yêu cầu con cái cấp dưỡng.
– Anh, chị, em yêu cầu cấp dưỡng với nhau.
– Ông bà nội, ông bà ngoại yêu cầu cháu cấp dưỡng.
– Cháu yêu cầu ông bà nội, ông bà ngoại cấp dưỡng.
– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột yêu cầu cháu cấp dưỡng.
– Cháu yêu cầu cô, dì, chú, cậu, bác ruột cấp dưỡng.
Ai là người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Từ đó cho thấy, những người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm:
– Người được cấp dưỡng.
– Cha, mẹ, người giám hộ của người được cấp dưỡng, có thể hiểu là người đại diện theo pháp luật của người được cấp dưỡng; người thân thích của người được cấp dưỡng.
– Các cơ quan đoàn thể bao gồm: Ủy ban nhân dân các cấp, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em,…
– Những cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền yêu cầu những người có quyền trên yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2022 đưa ra quy định về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 118 như sau:
Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi minh;
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
3. Người được cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
6. Trường hợp khác theo quy định của luật.
Như vậy, pháp luật chỉ đưa ra quy định về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng chứ không đưa ra quy định về thời điểm bắt đầu nghĩa vụ cấp dưỡng. Vậy thời điểm bắt đầu nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ được xác định như thế nào?
Tham khảo theo Dự thảo án lệ số 111/2022/AL, có thể xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính kể từ ngày tuyên bản án sơ thẩm. Trong bản án này, thẩm phán đã căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2:
Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
Bên cạnh đó, thẩm phán dựa vào công văn số 128/PKTNV-THA ngày 06/8/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn về cách tuyên thời gian cấp dưỡng nuôi con trong vụ án hôn nhân và gia đình “Thời gian cấp dưỡng nuôi con được tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm”. Từ đó, Thẩm phán đưa ra thời gian thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày tuyên bản án sơ thẩm. Có thể thấy đây là quyết định mang tính tổng quát vì:
Thứ nhất, nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh khi có yêu cầu. Vậy, khi những người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng yêu cầu Tòa án, Tòa án mới có căn cứ buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ hai, về mặt thực tế, nghĩa vụ cấp dưỡng nhằm mục đích đảm bảo nhu cầu sống thiết yếu của người được cấp dưỡng. Và trước khi có bản án sơ thẩm, người được cấp dưỡng cũng đã sống qua những ngày đó, việc tuyên bản án sơ thẩm có hiệu lực hồi tố đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì việc cấp dưỡng bù cũng không giải quyết vấn đề về nhu cầu sống của người được cấp dưỡng trong thời gian đã qua.
Vậy nên, việc thời gian thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ ngày tuyên bản án sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý.
Mức cấp dưỡng theo quy định của pháp luật
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Vậy, mức cấp dưỡng sẽ căn cứ vào thỏa thuận của 2 bên. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được và cần Tòa án đưa ra mức cấp dưỡng cụ thể thì hiện vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết cách xác định mức cấp dưỡng. Dựa vào thực tế các vụ án xét xử có thể thấy một căn cứ thường thấy là bản kê khai mức sống tối thiểu của một người trong một tháng của Ủy ban nhân dân xã, nhưng không phải Ủy ban nhân dân xã nào cũng có thể cung cấp bản kê khai này. Nên thông thường, Tòa án sẽ dựa trên chứng cứ được cung cấp và xem xét nhu cầu nào là cần thiết.
Tham khảo mức cấp dưỡng tại bản án 14/2021/HNGĐ-PT ngày 13/12/2021 của TAND tỉnh Sóc Trăng quy định mức cấp dưỡng như sau:
[4] Xét kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc H về việc buộc ông Nguyễn Kỳ M cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3.000.000 đồng từ năm 2014 cho đến khi con chung đủ 18 tuổi. Xét thấy, giữa ông M và bà H không thỏa thuận được mức cấp dưỡng nên căn cứ vào khoản 1 Điều 116 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”.
– Xét về mức thu nhập và khả năng thực tế của ông Nguyễn Kỳ M: tại Bảng xác nhận thu nhập ngày 19/3/2021 do phía nguyên đơn cung cấp thể hiện: Ông M làm bác sĩ khoa ngoại tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu tại Sóc Trăng mức lương của ông hàng tháng sau khi trừ các khoản Bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn thực lĩnh là 10.526.530 đồng, tại phiên tòa ông M khai là mức lương thực lĩnh của ông hiện nay khoảng 12.000.000 đồng đến 13.000.000 đồng, ngoài ra ông còn có phòng mạch riêng tại ấp N, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Sóc Trăng.
– Xét về nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng: Cháu Nguyễn Minh K sinh ngày 07/7/2009 là con chung của ông M và bà H hiện do bà H trực tiếp nuôi dưỡng, cháu đang trong độ tuổi ăn học với nhiều khoản chi phí tối thiểu cần thiết như về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh (cháu bị bệnh hen suyễn) và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của cháu K.
– Nhận thấy, mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con, tuy nhiên căn cứ và các quy định của các Bộ luật và Luật liên quan, cụ thể: Tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về khấu trừ tiền lương thì mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân tại khoản 3 Điều 78 của Luật Thi hành án dân sự cũng có quy định về khấu trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng. Căn cứ vào mức thu nhập của ông M có thu nhập hàng tháng hơn 10.000.000 đồng, và nhu cầu tối thiểu để nuôi cháu K thì mức bà H yêu cầu ông M cấp dưỡng nuôi con 3.000.000đ/tháng là không quá 30% thu nhập của ông M và đảm bảo mức tối thiểu nuôi cháu K ăn học, do vậy đề nghị của người bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho bà H và kháng cáo của bà H đề nghị ông M cấp dưỡng nuôi cháu K định kỳ hàng tháng 3.000.000 đồng cho đến khi cháu K đủ 18 tuổi là có căn cứ chấp nhận.
– Tuy nhiên, bà H yêu cầu ông Nguyễn Kỳ M cấp dưỡng nuôi con kể từ năm 2014 là không phù hợp mà thời hạn cấp dưỡng theo quy định được tính kể từ ngày xét xử sơ thẩm. Do vậy, đề nghị của người bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho bà H và kháng cáo của bà H đề nghị thời điểm cấp dưỡng tính từ năm 2014 là không có căn cứ chấp nhận.
Phương thức cấp dưỡng theo quy định của pháp luật
Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Điều 117. Phương thức cấp dưỡng
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc một năm một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết
Thông thường, tòa án thường yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo phương thức cấp dưỡng hàng tháng. Do thực tế lương, thu nhập của mỗi người đều được trả theo tháng. Việc mỗi tháng được nhận một khoản tiền nhất định sẽ dễ dàng hơn cho cả người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng.
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ trên thực tế và quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoàn toàn có thể yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nhưng phải có lý do chính đáng.
Các bên có thể thỏa thuận hình thức cấp dưỡng, thường là một trong các trường hợp sau:
Cấp dưỡng định kỳ: Là cấp dưỡng theo hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm;
Cấp dưỡng một lần: Là cấp dưỡng chỉ thực hiện một lần.