Thứ Ba (16/04/2024)

Đại hội cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Đại hội cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị được không? Quy định việc đại hội cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị như thế nào?

Theo quy định của luật doanh nghiệp 2020 thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị có sự khác nhau. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất của công ty. Vậy câu hỏi đặt ra là đại hội đồng cổ đông có thể ủy quyền cho hội đồng quản trị hay không?

Ủy quyền dân sự

Theo bộ luật dân sự 2015 đại diện là việc pháp nhân hoặc cá nhân ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân khác thực hiện giao dịch dân sự dựa trên ủy quyền

Điều 134. Đại diện
1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Theo đó, chủ thể ủy quyền phải là cá nhân hoặc pháp nhân. Tuy vậy, đại hội cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần nhưng không đáp ứng các tiêu chí tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật. Do vậy, việc ủy quyền nếu không được luật doanh nghiệp quy định thì có thể hiểu là không có hiệu lực.

Cơ chế quản lý trong công ty cổ phần

Tại luật doanh nghiệp 2020 quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của đại hội đồng cổ đông. Trong đó, một số trường hợp đại hội cổ đông có thể giao nhiệm vụ, phân quyền cho hội đồng quản trị. Ví dụ tại điều 51 nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

Điều 51. Đăng ký thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp
3. Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần, kèm theo Thông báo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ phải có các giấy tờ sau đây:
a) Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;
b) Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần.

Trên thực tế, khi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ yêu cầu chính xác các văn bản như biên bản họp, quyết định của đại hội đồng cổ đông => Do vậy, việc ủy quyền thay cho HĐQT thực hiện các văn bản này sẽ không được chấp nhận. Ngoài ra, khi tiến hành giao dịch với công ty trong một số giao dịch yêu cầu sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông có thể bị hủy bỏ nếu đại hội cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị thực hiện.

Một số trường hợp khi muốn trao thêm quyền cho hội đồng quản trị, doanh nghiệp cần nêu rõ trong điều lệ công ty và không thuộc các trường hợp cấm của pháp luật.

Với việc đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị tại văn bản số 913/UBCK-GSĐC ngày 23/02/2022 của UBCK nhà nước cũng tuýt còi về các nội dung thông qua của đại hội cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị cụ thể:

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan đã quy định rất rõ các nội dung áp dụng đối với các Công ty đại chúng. Tuy nhiên, qua công tác giám sát của ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy rất nhiều Công ty đại chúng còn chưa thực hiện đúng các nội dung thuộc thẩm quyền thông qua của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), cụ thể:

Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền thông qua của ĐHĐCĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020: Hiện tại có một số Công ty đại chúng đang có Nghị quyết ĐHĐCĐ ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) toàn quyết quyết định đối với các nội dung thuộc thẩm quyền thông qua của ĐHĐCĐ là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020.

Đối với các hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền chấp thuận của ĐHĐCĐ: Hiện tại có một số công ty đại chúng đang có Nghị quỵết ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT chấp thuận các hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền chấp thuận của ĐHĐCĐ mà không trình dự thảo hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp ĐHĐCĐ là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020.

Đối với Điều lệ công ty: Hiện tại nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của HĐQT quy định tại Điều lệ công ty của nhiều Công ty đại chúng chưa phù hợp theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020.

Trường hợp, các nội dung thuộc thẩm quyền thông qua của ĐHĐCĐ không được thực hiện đúng theo quy định nêu tại khoản 2 Điều 138 và Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản trị công tỵ (đối với giao dịch với các bên liên quan không được thông qua đúng thẩm quyền) và hoạt động chào bán chứng khoán (đối với phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành chúng khoán phải thuộc thẩm quyền thông qua của ĐHĐCĐ).

Như vậy, khi thực hiện việc “ủy quyền” các nội dung không thuộc quyền hạn của HĐQT cần phải lưu ý nội dung có phù hợp và được quy định trong luật hay không. Tránh trường hợp nội dung “ủy quyền” vô hiệu và không được chấp nhận

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan