Thứ Năm (25/04/2024)

Góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp vào công ty

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Góp vốn bằng phần vốn góp/cổ phần trong công ty khác có thể thực hiện được hay không? Quy định, trình tự, thủ tục góp vốn bằng phần vốn góp, cổ phần?

Khi góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn có thể dùng phần vốn góp/cổ phần để thực hiện góp vốn hay không? Cách thức thực hiện góp vốn bằng phần vốn góp, cổ phần như thế nào?

Trả lời

Góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp được không?

Theo quy định tại điều 34 luật doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:

Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Cổ phần/phần vốn góp có phải tài sản?

Mặt khác, tại điều 105, điều 115 bộ luật dân sự 2015 cũng có giải thích về tài sản như sau:

Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Điều 115. Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Đối với cổ phần: Tại điều 111 và 121 luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định:

Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Điều 121. Cổ phiếu
1. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó….

Đối với phần vốn góp: Tại mục 27 điều 4 luật doanh nghiệp 2020 quy định:

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
27. Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

Lưu ý đối với công ty TNHH thì phần vốn gốp đã góp mới có thể thực hiện góp vốn. Còn đối với phần vốn góp “cam kết góp” thì chưa thể thực hiện góp vốn. Trường hợp quá thời hạn góp vốn 90 ngày theo quy định, công ty phải làm thủ tục giảm vốn trước khi tiến hành góp vốn.

Lưu ý khi góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp

Như vậy, cổ phần hoặc phần vốn góp hoàn toàn có thể được định giá bằng Đồng Việt Nam. Do đó, việc góp vốn bằng phần vốn góp/cổ phần có thể thực hiện được bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý về điều kiện chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp trong công ty theo hạn chế của từng loại hình doanh nghiệp hoặc từng loại cổ phần/phần vốn góp.

Theo quy định tại điều 35 luật doanh nghiệp 2020 thì thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ đông của công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định. Do vậy, chỉ phần vốn góp của tổ chức, cá nhân được chuyển nhượng thì mới được sử dụng để góp vốn vào công ty. Việc góp vốn bằng tài sản chỉ hoàn thành khi người góp vốn chuyển nhượng xong tài sản góp vốn vào công ty. Vậy thời điểm nào là thời điểm người góp vốn chuyển nhượng xong tài sản góp vốn vào công ty? Xét 2 trường hợp sau:

1. Đối với công ty cổ phần: Đối với công ty cổ phần việc chuyển nhượng không cần thông qua phòng ĐKKD do vậy thời điểm hoàn thành được xác định là thời điểm ghi nhận thông tin cổ đông vào sổ cổ đông theo quy định tại khoản 6 điều 127 luật doanh nghiệp 2020.

Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
6. Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

2. Đối với công ty TNHH: Đối với công ty TNHH thì việc chuyển nhượng sẽ phải thay đổi đăng ký kinh doanh và ghi nhận thông tin thành viên mới vào sổ đăng ký thành viên. Cụ thể:

Điều 52. Chuyển nhượng phần vốn góp
2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
Điều 48. Sổ đăng ký thành viên
1. Công ty phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký thành viên có thể là văn bản giấy, tập hợp dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin sở hữu phần vốn góp của các thành viên công ty.

Tuy nhiên, đối với thủ tục góp vốn bằng phần vốn góp của công ty TNHH cần lưu ý theo quy định tại điều 46 luật doanh nghiệp 2020 quy định “…Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này”. Mặt khác, theo quy định tại điều 51, 52 và 53 không quy định cụ thể về việc xử lý phần vốn góp do góp vốn như thế nào. Tại điều 52 quy định 2 trường hợp chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH đó là:
– Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
– Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.

Đối với vấn đề này, hiện tại khi tiến hành chuyển nhượng tài sản góp vốn là phần vốn góp có thể bị vướng do không đáp ứng quy định tại điều 52 Luật doanh nghiệp 2020. Có thể thấy, luật doanh nghiệp 2020 cho phép góp vốn bằng phần vốn góp, nhưng tại nghị định nghị định 01/2021/NĐ-CP các hướng dẫn chưa đáp ứng yêu cầu của luật. Do vậy, việc góp vốn bằng phần vốn góp có thể tùy theo quan điểm của cán bộ thực hiện hồ sơ.

Xem thêm: Phân biệt cổ phần, cổ phiếu

Thủ tục góp vốn bằng cổ phần, phần vốn góp

Bước 1: Thực hiện điều kiện góp vốn theo từng loại cổ phần/phần vốn góp dự định góp vốn (Ví dụ họp đại hội đồng cổ đông khi góp vốn trong thời hạn 3 năm kể từ khi lập công ty cổ phần)
Bước 2: Định giá tài sản. Chủ sở hữu, đại hội cổ đông, hội đồng thành viên tự định giá hoặc thuê các tổ chúc định giá chuyên nghiệp để thực hiện định giá tài sản góp vốn là phần vốn góp/cổ phần
Bước 3: Thực hiện chuyển tài sản góp vốn theo quy định bằng hợp đồng góp vốn, lập sổ thành viên, sổ cổ đông, cổ phiếu…
Bước 4: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành góp vốn thực hiện thay đổi ĐKKD của công ty nhận góp vốn tại phòng ĐKKD nơi công ty đặt trụ sở

Xem thêm: Thủ tục góp vốn bằng tài sản

Thuế khi góp vốn bằng cổ phần, phần vốn góp

Theo quy định tại khoản 4 điều 2 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân,tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
b. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ Phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.

Theo đó, việc góp vốn bằng tài sản bản chất là việc chuyển nhượng vốn/cổ phần thông qua hợp đồng góp vốn. Vì vậy, việc khai thuế thực hiện theo quy định tại điều 26 thông tư 111/2013/TT-BTC

Điều 26. Khai thuế, quyết toán thuế
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thực hiện khai thuế và quyết toán thuế theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ tại văn bản hướng dẫn về quản lý thuế. Nguyên tắc khai thuế đối với một số trường hợp cụ thể:
10. Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp, góp vốn bằng chứng khoán, góp vốn bằng bất động sản.
Cá nhân góp vốn bằng phần vốn góp, bằng chứng khoán, bằng bất động sản chưa phải khai và nộp thuế từ chuyển nhượng khi góp vốn. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi góp vốn và thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi chuyển nhượng.

Ngoài ra, tại điều 7 nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng quy định về vấn đề này như sau:

Điều 7. Hồ sơ khai thuế
5. Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho người nộp thuế phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về khai thuế, nộp thuế như quy định đối với người nộp thuế tại Nghị định này, bao gồm:
d) Tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn. Cụ thể như sau:
d.3) Đối với cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán thì tổ chức nơi cá nhân góp vốn có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
d.4) Trường hợp tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay theo quy định tại điểm d.1, d.2, d.3 khoản này đã giải thể, phá sản mà chưa thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân thì cá nhân có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế theo quy định.
h) Tổ chức phát hành thực hiện thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn hoặc danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì tổ chức phát hành khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân chuyển nhượng vốn theo quy định.
6. Người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế nơi chuyển đi trong trường hợp đến thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã hoặc cơ quan thuế nơi chuyển đến.

Theo quy định tại luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:

Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Vì vậy, trong trường hợp có khác biệt quy định giữa nghị định 126/2020/NĐ-CP và thông tư 111/2013/TT-BTC thì sẽ áp dụng quy định tại nghị định 126/2020/NĐ-CP vì là “văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” và “văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan