Tổ hợp tác là gì? Thủ tục thành lập tổ hợp tác?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Tổ hợp tác là gì? Quy định vê tổ hợp tác? Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ hợp tác?
Tổ hợp tác là gì? Theo quy định tại luật hợp tác xã 2023 giải thích “Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm“. Đây là một hình thức đăng ký kinh doanh được quy định tại luật hợp tác xã 2023. Thành viên tổ hợp tác có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Trước khi tiến hành thành lập tổ hợp tác, các thành viên tiến hành lập hợp đồng hợp tác trong đó nêu rõ các nội dung về việc hợp tác để thành lập tổ hợp tác.
Việc đặt tên tổ hợp tác theo quy định tại điều 13 nghị định 77/2019/NĐ-CP tên tổ hợp tác gồm “tổ hợp tác” + “tên riêng”. Lĩnh vực hoạt động của tổ hợp tác được quy định tại điều 13 nghị định 92/2024/NĐ-CP theo đó việc ghi ngành nghề theo quy định của thủ tướng chính phủ về mã ngành kinh tế (Hiện nay là quyết định 27/2018/QĐ-TTg). Việc đóng góp trong tổ hợp tác không nhất thiết phải bằng tài sản mà có thể thực hiện bằng công sức theo thoả thuận tại hợp đồng hợp tác theo quy định tại điều 24 nghị định 77/2018/NĐ-CP
Điều 24. Phần đóng góp của thành viên tổ hợp tác
1. Các thành viên tổ hợp tác có thể đóng góp bằng tài sản, công sức vào tổ hợp tác tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác. Việc xác định giá trị tài sản và công sức của thành viên tổ hợp tác góp vào tổ hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận hoặc do bên thứ ba xác định theo sự ủy quyền của một trăm phần trăm (100%) tổng số thành viên tổ hợp tác.
2. Trường hợp thành viên tổ hợp tác cam kết đóng góp không góp đủ và không đúng hạn phần đóng góp đã cam kết thì xử lý theo quy định từ Điều 351 đến Điều 364 của Bộ luật dân sự.
Hồ sơ đăng ký hợp tác xã? Hồ sơ đăng ký hợp tác xã theo quy đinh tại luật hợp tác xã 2023, nghị định 92/2024/NĐ-CP, thông tư 09/2024/TT-BKHĐT. Tại điều 58 nghị dịnh 92/2024/NĐ-CP quy định:
Điều 58. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tổ hợp tác
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác, người đại diện tổ hợp tác thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh hoặc có nhu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật Hợp tác xã nộp hồ sơ đăng ký thành lập tổ hợp tác tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi tổ hợp tác đặt trụ sở. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
a) Giấy đề nghị đăng ký thành lập tổ hợp tác;
b) Hợp đồng hợp tác;
c) Danh sách thành viên tổ hợp tác;
d) Bản sao hoặc bản chính văn bản ủy quyền của thành viên tổ hợp tác cho một cá nhân hoặc một pháp nhân làm người đại diện tổ hợp tác.
2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập tổ hợp tác, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận, kiểm tra điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định này. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác và gửi thông báo về cơ quan thuế quản lý cho tổ hợp tác trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
3. Tổ hợp tác thành lập sau khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực thi hành và đã thực hiện thủ tục thông báo đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về tổ hợp tác thay đổi nội dung hoạt động dẫn đến thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh hoặc có nhu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Luật Hợp tác xã thì thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi tổ hợp tác đặt trụ sở. Hồ sơ đăng ký bao gồm các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này và bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế. Trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Cơ quan giải quyết: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) theo điều 5 nghị định 92/2024/NĐ-CP
Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ. Đối với việc thành lập tổ hợp tác, mã số của tổ hợp tác đồng thời là mã số thuế. Do vậy, khi thành lập tổ hợp tác, các thành viên không cần phải thực hiện đăng ký mã số thuế riêng.
Cơ chế quản lý của tổ hợp tác? Tổ hợp tác thông thường bao gồm tổ trưởng tổ hợp tác và ban điều hành theo quy định tại điều 17, 18, 19 nghị định 79/2019/NĐ-CP
Điều 17. Cơ chế điều hành hoạt động của tổ hợp tác
1. Trong trường hợp cần thiết, tổ hợp tác có thể bầu tổ trưởng tổ hợp tác, ban điều hành và tổ chức các cuộc họp thành viên để điều hành các hoạt động của tổ hợp tác.
2. Quyền hạn, trách nhiệm của tổ trưởng, ban điều hành tổ hợp tác (nếu có) phải được quy định trong hợp đồng hợp tác. Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định, tổ trưởng, ban điều hành tổ hợp tác được thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Nghị định này.
Điều 18. Tổ trưởng tổ hợp tác
1. Tổ trưởng tổ hợp tác được bầu trong số các thành viên tổ hợp tác, tại cuộc họp thành viên tổ hợp tác khi được hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tán thành, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác quy định khác.
2. Tổ trưởng tổ hợp tác tổ chức, điều hành hoạt động của tổ hợp tác theo phạm vi, nhiệm vụ được quy định trong hợp đồng hợp tác.
3. Tổ trưởng tổ hợp tác phải đáp ứng các điều kiện ghi trong hợp đồng hợp tác, không trái với các quy định pháp luật.
4. Tổ trưởng tổ hợp tác là người đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch khi được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
Điều 19. Ban điều hành tổ hợp tác
1. Thành viên ban điều hành tổ hợp tác được bầu từ các thành viên tổ hợp tác, tại cuộc họp thành viên tổ hợp tác và được hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tán thành, số lượng thành viên ban điều hành là số lẻ, do tổ hợp tác tự quy định.
2. Ban điều hành chịu trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ quản lý, điều hành tổ hợp tác theo sự phân công của tổ trưởng tổ hợp tác và phải được các thành viên tán thành.
Tổ hợp tác phải họp ít nhất mỗi năm 1 lần để giải quyết các vấn đề như thông qua kết quả hoạt động của tổ hợp tác theo điều 20 nghị định 77/2019/NĐ-CP.
Chế độ báo cáo? Một năm một lần trước ngày 16 tháng 12 hàng năm, tổ hợp tác báo cáo trung thực, đầy đủ, chính xác bằng văn bản tình hình hoạt động của tổ hợp tác tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác hoạt động. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.