Đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Trường hợp nào không được bảo hộ quyền tác giả? Các trường hợp không được bảo hộ quyền tác giả theo quy định
Quyền tác giả là quyền của cá nhân tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tuy nhiên, không phải bất cứ tác phẩm nào cũng được coi là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật SHTT 2005 (sửa đổi 2022). Các đối tượng không được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả được quy định tại Điều 15 Luật SHTT 2005 (sửa đổi 2022)
Tin tức thời sự thuần túy
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo”.
Tin tức thời sự đưa tin sẽ được bảo hộ nếu có thêm sự đánh giá, nhận xét, bình luận thể hiện quan điểm của cá nhân, sự sáng tạo của tác giả và được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định thì được pháp luật bảo hộ.
Có thể hiểu đó là những tin tức mang tính chất “thời sự”. cần được chuyển đến công chúng nhanh nhất, chỉ là những bản tin, những số liệu, phản ánh các thông tin sự thật khách quan như: dịch bệnh, tai nạn, sự kiện diễn ra trong và ngoài nước… Những tin tức này được thu thập, tổng hợp và phản ánh một cách chân thực những sự vật sự việc khách quan, mà không phải là sự thể hiện sự sáng tạo, hay những nét riêng khác biệt nào đó của cá nhân, hay chủ thể nào đó. Do vậy, chúng không phải là những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Trong trường hợp đăng tải lại tin tức thời sự không cần phải xin phép bằng văn bản. Tuy nhiên, cần có sự trích dẫn nguồn cụ thể, vừa đảm bảo tính chính xác của thông tin, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả. Song nếu việc đăng tải lại thông tin gây thiệt hại cho tác giả thì phải bồi thường cho tác giả theo quy định về dân sự.
Mặc dù vậy, những tin tức thời sự đưa tin này có thể được bảo hộ nếu như như trong phần thông tin, tin tức đưa ra có thêm sự đánh giá, nhận xét, bình luận thể hiện những quan điểm cá nhân, cách nhìn nhận riêng, thể hiện sự sáng tạo của tác giả, và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định hoặc dưới bất kỳ phương tiện nào.
Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức cua văn bản đó
Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định: “Văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.
Ở đây, “văn bản quy phạm pháp luật” được hiểu là “văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh”( theo Khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH 12). Đó có thể là các Luật, Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ…Sở dĩ những dạng văn bản này không được bảo hộ quyền tác giả là vì những văn bản này là những văn bản mang tính quyền lực nhà nước có phạm vi tác động rất rộng trên toàn bộ lãnh thổ, đồng thời nó chứa đựng những quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc tất cả mọi người nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ; do vậy, nếu được bảo hộ thì nó sẽ làm mất đi tính phổ biến của những quy tắc này, đồng thời không mang lại hiệu quả như mục đích ban đầu của nó là điều chỉnh các quan hệ xã hội. Hơn nữa, những văn bản này mặc dù có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như văn bản giấy, bản mềm…nhưng những văn bản này đều không thể hiện tính sáng tạo hay quan điểm cá nhân.
Về văn bản hành chính thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2006/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan thì “văn bản hành chính” ở đây “bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội; tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Cũng giống như các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản hành chính cũng chứa đựng những quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc, nhưng với phạm vi nhỏ hơn, có thể là áp dụng trong các cơ quan nhà nước, trong các tổ chức, hay đơn vị vũ trang… hoặc áp dụng cho một số đối tượng như những người vi phạm hành chính…Bởi vậy, các văn bản hành chính, các văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp cũng giống như các văn bản quy phạm pháp luật, đều không thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Tương tự như vậy, bản dịch chính thức của các văn bản đó cũng không được bảo hộ quyền tác giả, bởi nó chỉ là bản dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mặc dù được thể hiện dưới hình thức nhất định nhưng nó không thể hiện được tính sáng tạo của tác giả, đồng thời nếu được bảo hộ, thì nó sẽ làm cho khả năng tiếp cận của mọi người đến với các văn bản này bị thu hẹp đi, không đảm bảo được mục đích ban đầu của các văn bản này.
Đây là những dạng văn bản được cơ quan nhà nước dùng để truyền tải những thông tin, chính sách, quy định của nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân cũng như việc phổ biến rộng rãi để dân biết mà làm theo. Nếu được bảo hộ, các văn bản pháp luật, văn bản hành chính không thể phổ biến một cách dễ dàng. Hơn nữa, các văn bản này không thể hiện tính sáng tạo cũng như quan điểm cá nhân.
Quy trình hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu
Cũng giống như 2 đối tượng trên, quy trình hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu không được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Bởi nó chỉ mang ý nghĩa cung cấp thông tin đúng sự thật và cần thiết phải có sự phổ biến rộng rãi mà không phải gặp bất cứ cản trở nào. Tóm lại, tác phẩm chỉ được bảo hộ khi đảm bảo đầy đủ 2 yếu tố: Tính sáng tạo và được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định, thiếu 1 trong 2 yếu tố này, tác phẩm sẽ không được bảo hộ.