Giá trị khuyến mại tối đa
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Giá trị khuyến mại tối đa là bao nhiêu tiền? Mức khuyến mại tối đa theo quy định pháp luật
Giá trị tối đa hàng hoá, dịch vụ có thể khuyến mại là bao nhiêu tiền? Quy định về mức giá trị tối đa của khuyến mại. Theo định nghĩa tại Điều 88 Luật Thương mại 2005 quy định:
Điều 88. Khuyến mại
1. Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại:
Điều 6. Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
1. Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định này.
2. Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
3. Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trường hợp thương nhân thực hiện khuyến mại không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc không trực tiếp cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại, giá trị được tính bằng giá thanh toán của thương nhân thực hiện khuyến mại để mua hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại tại thời điểm công bố;
b) Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa của thương nhân đó trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hoặc cung ứng dịch vụ, giá trị được tính bằng giá thành hoặc giá nhập khẩu của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
4. Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Khoản 4 Điều này gồm:
a) Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình;
b) Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:
– Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
– Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
Giá trị tối đa của hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại trừ các trường hợp đặc biệt được quy định mức khuyến mại tối đa 100% như:
– Các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) hoặc trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. (Khoản 4 Điều 6)
Những chương trình được coi là chương trình khuyến mại tập trung bao gồm:
– Chương trình do cơ quan nhà nước (Cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương.
– Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:
Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các trường hợp khác, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại trừ khi:
– Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại (Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại)
– Các trường hợp khác theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP:
+ Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền (Điều 8 Nghị định 81/2018/NĐ-CP)
+ Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Khoản 2 Điều 9)
+ Tổ chức thi và trao thưởng (Điều 12)
+ Chương trình khuyến mại mang tính may rủi (Điều 13)
+ Chương trình khách hàng thường xuyên (Điều 14)
Quy định này áp dụng với các hình thức khuyến mại sau: bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, bán hàng; cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ. Không áp dụng đối với các hình thức: đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi; tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên.
Ví dụ: Thương nhân A muốn thực hiện chương trình khuyến mại cho sản phẩm B. Giá thành của sản phẩm B trước khi diễn ra chương trình khuyến mại là 100.000 VNĐ. Do vậy khi thực hiện chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá thì giá thành sản phẩm trong chương trình khuyến mại chỉ được giảm tối đa 50%. Có nghĩa không được giảm xuống quá mức 50.000 VNĐ.
Bởi giá của một đơn vị hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% nên tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mại trong thời gian khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Song pháp luật không quy định cụ thể tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại này tính trước thời điểm khuyến mại hay trong thời gian diễn ra chương trình khuyến mại. Do một đơn vị hàng hóa, dịch vụ khuyến mại đã tính theo phần trăm của giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại nên tổng giá trị hàng hóa khuyến mại cũng được tính theo tổng giá trị hàng hóa dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại. Tuy nhiên quy định này sẽ không áp dụng với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Bởi đối tượng hướng đến của chương trình khuyến mại không hạn chế.
Thương nhân trước khi thực hiện chương trình khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc của thương nhân khác cần lưu ý đến hạn mức tối đa này, tránh vi phạm các quy định của pháp luật.