Thứ Sáu (19/04/2024)

Thương mại điện tử về quảng cáo và chống thư rác

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Pháp luật về thương mại điện tử và chống thư rác trong hoạt động quảng cáo qua tin nhắn điện tử. Những vấn đề nổi cộm về quảng cáo và chống thư rác theo quy định pháp luật hiện nay

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, quảng cáo là hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, từ đó mở ra các cơ hội kinh doanh. Hoạt động quảng cáo thương mại đã được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật thương mại, Pháp lệnh quảng cáo và những văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet và mạng viễn thông, các hình thức quảng cáo cũng phát triển ngày càng đa dạng và phong phú hơn, đặc biệt là hình thức quảng cáo trên môi trường điện tử như qua thư điện tử hay tin nhắn. Cùng với những tiện ích của quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn mang lại thì cũng phát sinh không ít vấn đề gây bức xúc từ thư điện tử, tin nhắn quảng cáo mà một trong số những vấn đề bức xúc hiện nay đó là vấn đề về thư điện tử, tin nhắn rác. Do đó, pháp luật về quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn và chống thư điện tử, tin nhắn rác đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hoạt động quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn cũng như bảo vệ người sử dụng khỏi thư điện tử, tin nhắn rác. Trong phạm vi Chuyên đề về khía cạnh pháp lý của giao dịch thương mại điện tử, bài thu hoạch này nghiên cứu về “Pháp luật về quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn và chống thư điện tử, tin nhắn rác”, trong đó tập trung vào các quy định trong Nghị dịnh số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác với các nội dung:
– Quy định pháp luật về thư điện tử và tin nhắn quảng cáo và chống thư rác
– Thực tiễn vấn đề thực thi pháp luật về quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn và chống thư điện tử, tin nhắn rác

  1. Quy định pháp luật về thư điện tử và tin nhắn quảng cáo và chống thư rác
  2. Quy định pháp luật về thư điện tử và tin nhắn quảng cáo

Thư điện tử và tin nhắn quảng cáo (gọi chung là thư quảng cáo) được điều chỉnh bằng các quy định chung của pháp luật về hoạt động quảng cáo trong Luật thương mại và Pháp lệnh quảng cáo. Ngoài ra, thư điện tử, tin nhắn quảng cáo còn phải tuân thủ những quy định pháp luật về hình thức, nội dung, thể thức gửi để không bị coi là thư rác. Nghị định số 90/2008/NĐ-CP đã điều chỉnh về thư điện tử và tin nhắn quảng cáo gồm hai nhóm quy định chính là chế định về những nguyên tắc yêu cầu khi gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo và chế định về quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo và người quảng cáo.

Nguyên tắc, yêu cầu khi gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo bao gồm có những nguyên tắc chung khi gửi thư quảng cáo; yêu cầu đối với thư điện tử quảng cáo và yêu cầu đối với tin nhắn quảng cáo.

Nguyên tắc gửi thư điện tử quảng cáo và tin nhắn quảng cáo được quy định như sau:[1]
– Tổ chức, cá nhân ngoại trừ nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo khi có sự đồng ý trước đó của người nhận.
– Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo cho đến khi người nhận từ chối việc tiếp tục nhận thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo. Trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải chấm đứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo đã bị người nhận từ chối trước đó trừ trường hợp bất khả kháng.
– Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo từ hệ thống có các thông tin kỹ thuật đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.
– Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử không được phép gửi quá 5 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận.
– Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn không được phép gửi quá 05 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận.

Ngay trong những nguyên tắc khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo thì cũng đã có những nguyên tắc quy định về nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắc cũng như của người quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn. Điểm khác nhau cơ bản của hai đối tượng này là người quảng cáo thì chỉ được quyền gửi thư quảng cáo khi có tự đồng ý trước của người nhận còn nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo được quyền gửi thư quảng cáo trước khi người nhận đồng ý, tuy nhiên chỉ được gửi cho đến khi người nhận từ chối việc tiếp tục nhận thư quảng cáo.

Thư điện tử quảng cáo phải đảm bảo năm yêu cầu:[2]
– Chủ đề phải phù hợp với nội dung và nội dung quảng cáo phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo
– Phải được gắn nhãn. Nhãn được đặt ở vị trí đầu tiên trong phần chủ đề và có dạng: [QC] hoặc [ADV] đối với thư điện tử được gửi từ người quảng cáo [QC Mã số quản lý] hoặc [ADV Mã số quản lý] đối với thư điện tử được gửi từ nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo.[3]
– Có thông tin về người quảng cáo theo quy định
– Trường hợp sử dụng dịch vụ quảng cáo thì phải có thông tin về nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo
– Có chức năng từ chối

Tin nhắn quảng cáo phải đảm bảo ba yêu cầu:[4]
– Phải được gắn nhãn. Nhãn được đặt ở vị trí đầu tiên trong phần nội dung tin nhắn và có dạng
+ [QC] hoặc [ADV] đối với tin nhắn được gửi từ người quảng cáo
+ [QC Mã số quản lý] hoặc [ADV Mã số quản lý] đối với tin nhắn được gửi từ nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo[5]
– Phải có thông tin về nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trong trường hợp sử dụng dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử
– Có chức năng từ chối

Có thể thấy rằng các yêu cầu đối với thư quảng cáo đều hướng tới bảo vệ quyền lợi của người dùng. Việc quy định gắn nhãn với thư quảng cáo nhằm giúp người dùng có thể dễ dàng nhận biết thư quảng cáo với những thư điện tử, tin nhắn khác. Việc gắn nhãn còn là để phục vụ cho hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Quy định về thư quảng cáo phải có thông tin của nhà cung cấp dịch vụ và phải có chức năng từ chối cũng không nằm ngoài mục đích bảo vệ người dùng. Những thông tin về nhà cung cấp dịch vụ trong thư quảng cáo sẽ giúp người dùng dễ dàng xác định người có trách nhiệm liên quan trong giải quyết khi xảy ra khiếu nại hay tranh chấp. Nguyên tắc gửi thư quảng cáo của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo là họ được quyền gửi thư quảng cáo trước khi người nhận đồng ý và chỉ được gửi cho đến khi người nhận từ chối việc tiếp tục nhận thư quảng cáo. Do đó, để thực hiện được nguyên tắc này thì quy định về chức năng từ chối trong gửi thư điện tử và tin nhắn quảng cáo là bắt buộc phải có. Việc quy định về khả năng từ chối nhận thông tin này cũng phù hợp với quy định của Luật Công nghệ thông tin 2006 về chống thư rác[6]. Ngoài ra, để đảm bảo người dùng có thể thực hiện được quyền từ chối này, pháp luật cũng quy định rất rõ ràng và cụ thể về chức năng từ chối này về cách thức thông báo quyền từ chối, hình thức từ chối, nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ hoặc người quảng cáo khi nhận được từ chối tại điều 12 và điều 16 của Nghị định 90/2008/NĐ-CP.

Để quản lý hoạt động quảng cáo qua thư điện tử và tin nhắn, pháp luật còn quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo và người quảng cáo. Đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 18 và khoản 1 điều 23 Nghị định 90/2008/NĐ-CP bao gồm:
– Có trang thông tin điện tử cùng máy chủ dịch vụ gửi thư điện tử quảng cáo đặt tại Việt Nam và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”  (đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử)
– Sử dụng số thuê bao gửi tin nhắn quảng cáo do nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn Việt Nam cung cấp (đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn)
– Có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận
– Đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mã số quản lý

Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn còn phải thực hiện việc đăng ký để được cấp mã số quản lý tại Bộ Thông tin và truyền thông cũng như phải thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ theo quy định.[7]

Các doanh nghiệp muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn, hay dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet đều phải được Bộ Thông tin và truyền thông cấp mã số quản lý. Việc đăng ký xin cấp mã số quản lý được pháp luật quy định cụ thể về quy trình, thủ tục.

Ngoài ra, nghị định 90/2008/NĐ-CP còn quy định về trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức có liên quan như nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử, nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet cũng như người sử dụng thư điện tử, tin nhắn. Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT cũng đã quy định chi tiết, cụ thể về trách nhiệm này.

Quy định pháp luật về chống thư rác

Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác được xây dựng trên hai tinh thần cơ bản: “bảo vệ người dùng trước thư điện tử, tin nhắn rác (gọi chung là thư rác) và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo”.[8] Nghị định là sự cụ thể hóa những quy định về chống thư rác trong Luật công nghệ thông tin 2006.

Nghị định số 90/2008/NĐ-CP tại khoản 1 điều 3 đã đưa ra định nghĩa thư rác là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời cũng phân loại thư rác tại điều 5, theo đó, thư rác bao gồm hai loại là (i) Thư điện tử, tin nhắn với mục đích lừa đảo, quấy rối hoặc phát tán virus máy tính, phần mềm gây hại và (ii) Thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo vi phạm các nguyên tắc gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.

Nghị định cũng đã liệt kê các hành vi bị cấm thực hiện tại điều 6, bao gồm:
– Gửi thư rác
– Làm sai lệch thông tin tiêu đề của thư điện tử, tin nhắn nhằm mục đích gửi thư rác
– Tạo điều kiện, cho phép sử dụng phương tiện điện tử thuộc quyền của mình để gửi, chuyển tiếp thư rác
– Trao đổi, mua bán hoặc phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử
– Sử dụng các phần mềm để thu thập địa chỉ điện tử khi không được phép của người sở hữu địa chỉ điện tử đó
– Trao đổi, mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư rác
– Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Để ngăn chặn và phòng chống thư rác, ngoài những quy định về trách nhiệm của các cá nhân tổ chức liên quan bao gồm người quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn; nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử; nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet; nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn; nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet; người sử dụng thư điện tử, tin nhắn thì không thể thiếu những quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm những quy định về chống thư rác. Nghị định số 90/2008/NĐ-CP tại các điều từ điều 34 đến điều 43 đã quy định về việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về chống thư rác với các hành phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 80.000.000 đồng tùy theo từng hành vi và mức độ của các hành vi. Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hay nhiều hình xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả như:
– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm
– Thu hồi mã số quản lý
– Buộc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước
– Buộc hoàn trả kinh phí chiếm dụng, thu sai do vi phạm hành chính gây ra
– Tạm đình chỉ từ một tháng đến ba tháng hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn.

Thực tiễn vấn đề thực thi pháp luật về quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn và chống thư điện tử, tin nhắn rác

Sau khi nghị định số 90/2008/NĐ-CP được ban hành, các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn và người quảng cáo đã có những thay đổi trong hoạt động để tuân thủ theo những yêu cầu của pháp luật, đặc biệt là tuân thủ những quy định về gắn nhãn tin nhắn, thư điện tử quảng cáo. Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009 do Bộ Công Thương thực hiện, đến cuối năm 2009, đã có 47 doanh nghiệp được cấp mã số quản lý cho các dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo, gửi thư điện tử quảng cáo và gửi tin nhắn qua mạng Internet.

Để triển khai thực hiện pháp luật về chống thư rác, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập các kênh liên lạc để tư vấn, phản hồi cho doanh nghiệp, người dùng về hoạt động ngăn chặn, phòng chống thư rác. Trang thông tin điện tử về phòng chống thư rác đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 2/2009 tại địa chỉ http://antispam.vncert.gov.vn “nhằm cung cấp các thông tin vê hoạt động chống thư rác và các hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng có trách nhiệm liên quan tới phòng, chống và ngăn chặn thư rác”[9].

Về hoạt động xử lý vi phạm pháp luật về chống thư rác, năm 2009 Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 6 doanh nghiệp liên quan tới gửi tin nhắn rác với các mức phạt từ 10 đến 40 triệu đồng và nhắc nhở 20 doanh nghiệp khác vi phạm những quy định về chống thư rác.[10]  Trong hai tháng đầu năm 2010, Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông kết hợp với Trung tâm VNCERT tiến hành kiểm tra đột xuất 10 doanh  nghiệp cung cấp nội dung về việc thực hiện nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Kết quả thanh tra cho thấy 7/10 doanh nghiệp vi phạm các quy định như gửi tin nhắn rác, cung cấp các thông tin kích động mê tín dị đoan với tổng mức phạt hành chính lên đến 200 triệu đồng.

(http://antispam.vncert.gov.vn/tintuchoatdong32.html)

Bên cạnh hoạt động xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các doanh nghiệp viễn thông di động cũng chung tay trong việc thực hiện phòng chống thư rác như thiết lập các đầu mối phối hợp xử lý tin nhắn rác với cơ quan quản lý nhà nước, các đường dây nóng tiếp nhận thông báo tin nhắn rác. Ví dụ như đường dây nóng xử lý tin nhắn rác của VinaPhone có tổng đài chung là 18001091, các số điện thoại đường dây nóng miền Bắc: 0912481111, miền Trung: 0918681111, miền Nam: 0914181111; đường dây nóng xử lý tin nhắc rác của Viettel là 19008198;  của Mobifone là tổng đài 18001090.

Các doanh nghiệp viễn thông di động cũng tiến hành thu hồi đầu số đối với cá nhà cung cấp dịch vụ nội dung (Content Provider – CP) phát tán tin nhắn rác.

Theo tin tức hoạt động từ website điều phối chống thư rác, ngày 16/12/2009 Công ty Viễn thông Viettel gửi công văn thông báo tạm khóa đầu số dịch vụ nội dung của 5 công ty để điều tra sau khi nhận được các khiếu nại của người dùng về việc vi phạm Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Các đầu số đó gồm có: đầu số 6051; 6351 của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thông Minh, đầu số 8041; 8741 của Công ty Cổ phần Phong thủy, đầu số 8118; 8758 của Công ty Cổ phần Truyền thông ABC, đầu số 8033; 8733 của Công ty Cổ phần truyền thông và Dịch vụ di động Đông Hà, đầu số 8747 của Công ty Cổ phần dịch vụ giải pháp truyền thông và CNTT số 5. Thời gian bắt đầu khóa các đầu số từ ngày 18/12/2009. Hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung trên các đầu số trên sẽ được tiếp tục sau khi Viettel và các doanh nghiệp có liên quan giải quyết xong các khiếu nại của người dùng. (http://antispam.vncert.gov.vn/tintuchoatdong24.html)

Tuy việc thực thi pháp luật về chống thư rác đã đạt được một số thành công nhất định song tỉ lệ phát tán thư rác ở Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới. Theo báo cáo của hãng bảo mật Sophos năm 2010, Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách 12 quốc gia có tỉ lệ phát tán thư rác cao nhất trên thế giới với 3% tỉ lệ thư rác toàn cầu.[11] Và mới đây, trong Báo cáo tình hình bảo mật tháng 7/2011 của Tập đoàn Symantec, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 về phát tán thư rác với 6,4% tỉ lệ thư rác toàn thế giới. (http://www.slideshare.net/symantec/symantec-intelligence-report-july-2001)

Tại Việt Nam hiện nay, đối tượng lớn phát tán tin nhắn rác là các nhà cung cấp dịch vụ nội dung với hình thức gửi tin nhắn rác phổ biến là mua sim điện thoại trả trước để gửi tin nhắn hàng loạt để quảng cáo về các dịch vụ nội dung mà đầu số của nhà cung cấp dịch vụ nội dung sở hữu. Theo điều tra của VNCERT  vào tháng 3/2009 về hoạt động nhắn tin nhắn rác của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua mạng di động thì có đến 36,9% các nhà cung cấp dịch vụ nội dung thường xuyên gửi tin nhắn rác, 60,5% thi thoảng gửi tin nhắn rác và chỉ có 2,6% là chưa bao giờ gửi tin nhắn rác.[12] Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc quản lý thuê bao trả trước của các doanh nghiệp viễn thông còn nhiều bất cập và mức tiền phạt xử lý vi phạm này không đáng kể khi so sánh với doanh thu đem lại từ việc vi phạm.

Một loại tin nhắn rác nữa hiện nay là tin nhắn lừa đảo có nội dung thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí,…và yêu cầu người dùng soạn tin nhắn theo mẫu đến các đầu số dịch vụ nội dung có dạng 6xxx, 8xxx để tham gia hay nhận quà. Khi nhắn tin theo hướng dẫn này, người dùng sẽ bị trừ tiền với giá cước tin nhắn từ 500 đồng đến 15.000 đồng tùy theo đầu số gửi tin nhắn đến. tuy VNCERT đã ra thông cáo báo chí cảnh báo về loại tin nhắn lừa đảo này nhưng có rất nhiều người dùng vẫn bị mất tiền oan. Với những tin nhắn lừa đảo như trên, mức xử lý hành chính cần nghiêm khắc hơn bởi doanh thu từ việc vi phạm lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt, Với những hành vi này, cần áp dụng chế tài là thu hồi doanh số thu được từ hành vi vi phạm.

Nghị định 90/2008/NĐ-CP tuy mới ban hành và đưa vào thực thi nhưng trước sự phát triển ngày càng phức tạp của thư rác, nghị định cũng đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. Do đó, Chính phủ đã tiến hành xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định về chống thư rác theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bên liên quan, bổ sung thêm một số hành vi vi phạm mới. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung này đã xây dựng trong và đang trong quá trình lấy ý kiến.

KẾT LUẬN

Qua những nội dung trình bày trên đây, có thể thấy rằng hệ thống văn bản pháp lý để quản lý hoạt động quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn và chống thư rác đã tương đối đầy đủ. Những quy định này đã tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn được tiến hành thuận lợi cũng như bày tỏ thái độ kiên quyết loại bỏ tình trạng thư rác là vấn đề nhức nhối hiện nay. Những quy định này cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu quản lý hiện tại. Tuy nhiên, ngoài việc ban hành và thực thi các quy định pháp lý của nhà nước thì cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dùng, tích cực phản ánh những vi phạm để cùng với các cơ quan nhà nước xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, góp phần tiến tới hạn chế tối đa nạn tin nhắn rác trên điện thoại di động nói riêng cũng như thư rác nói chung.

CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

  1. Luật Công nghệ thông tin 2006
  2. Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác
  3. Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP
  4. Thông tư số  03/2009/TT-BTTTT Quy định về mã số quản lý và mẫu giấy chứng nhận mã số quản lý đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử; nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn; nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet
  5. Thông tư số 09/2011/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT và Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009 của Bộ Công Thương
  2. Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2010 của Bộ Công Thương
  3. Báo cáo tình hình bảo mật tháng 7/2011 của Tập đoàn Symantec

[1] Điều 7 Nghị định số 90/2008/NĐ-CP
[2] Điều 9 Nghị định 90/2008/NĐ-CP
[3] Điều 10 Nghị định 90/2008/NĐ-CP
[4]  Điều 13 Nghị định 90/2008/NĐ-CP
[5]  Điều 14 Nghị định 90/2008/NĐ-CP
[6] Khoản 2 điều 70 Luật Công nghệ thông tin quy định: “Tổ chức, cá nhân gửi thông tin quảng cáo trên môi trường mạng phải bảo đảm cho người tiêu dùng khả năng từ chối nhận thông tin quảng cáo”
[7] Chế độ báo cáo, thống kê được quy định chi tiết tại Mục VI Thông tư số 12/2008/TT-BTTTT
[8] Trang 23 Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2009 – Bộ Công Thương
[9] Trang 23 Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009
[10] Số liệu tại Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009 – Bộ Công Thương – Trang 29
[11] Số liệu tại Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2010 – Bộ Công Thương – Trang 103
[12] Số liệu tại Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009 – Bộ Công Thương – Trang 28

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan