Xin cấp giấy phép lao động (work permit)
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện xin cấp giấy phép lao động (work permit) cho người nước ngoài tại Việt Nam
Nội dung bài viết
Giấy phép lao động là điều bắt buộc đối với lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam. Như vậy, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lao động như thế nào ?
Điều kiện cấp giấy phép lao động
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động trừ trường hợp được miễn giấy phép lao động. Khi xin cấp giấy phép lao động người lao động nước ngoài sẽ phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại điều 151 bộ luật lao động 2019 gồm:
– Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
Thủ tục xin cấp giấy phép lao động
Bước 1: Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài
Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài tới cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện sau khi KHÔNG thể tuyển dụng được lao động Việt Nam.
Xem thêm: Đăng ký nhu cầu sử dụng lao động
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động tại cơ quan có thẩm quyền
Trước ít nhất 15 ngày khi người lao động dự kiến làm việc, người nộp hồ sơ có thể thực hiện nộp hồ sơ như sau:
– Nộp Hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa của cơ quan cấp giấy phép lao động
– Nộp hồ sơ online qua trang thông tin điện tử: dvc.vieclamvietnam.gov.vn
Thời gian cấp giấy phép lao động: 05 ngày làm việc
Lệ phí cấp giấy phép lao động: 400.000 VNĐ/giấy phép lao động
Bước 3: Người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.
Hồ sơ cấp giấy phép lao động
Hồ sơ cấp giấy phép lao động theo quy định tại điều 9 nghị định 152/2020/NĐ-CP gồm các hồ sơ sau:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I nghị định 152/2020/NĐ-CP
2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp.
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
4. Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc (xem bên dưới)
5. 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
6. Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
7. Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
8. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài (xem bên dưới)
Lưu ý: Các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 8 là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trường hợp đặc biệt khi cấp GPLĐ (ít hồ sơ hơn)
Cấp giấy phép lao động do thay đổi vị trí công việc
Cấp phép lao động khi thay đổi công ty (không đổi vị trí công việc)
Các giấy tờ liên quan tới lao động nước ngoài
– Lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp: phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng liên tục;
– Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế: phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
– Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng: phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm
– Chào bán dịch vụ: phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
– Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam: có văn bản của cơ quan, tổ chức cử người lao động nước ngoài đến làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam (trừ trường hợp thực hiện hợp đồng lao động) và giấy phép hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
– Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật: có văn bản của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam và phù hợp với vị trí dự kiến làm việc.
Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật
– Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành gồm: người quản lý doanh nghiệp, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
– Giấy tờ chứng minh là chuyên gia, lao động kỹ thuật gồm: văn bằng, chứng chỉ, văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật;
– Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) cấp cho cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc văn bản của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xác nhận đăng ký tạm thời hoặc chính thức cho cầu thủ của câu lạc bộ thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam;
– Giấy phép lái tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đối với phi công nước ngoài hoặc chứng chỉ chuyên môn được phép làm việc trên tàu bay do Bộ Giao thông vận tải cấp cho tiếp viên hàng không;
– Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay;
– Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc giấy công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho thuyền viên nước ngoài;
– Giấy chứng nhận thành tích cao trong lĩnh vực thể thao và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đối với huấn luyện viên thể thao hoặc có tối thiểu một trong các bằng cấp như: bằng B huấn luyện viên bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) hoặc bằng huấn luyện viên thủ môn cấp độ 1 của AFC hoặc bằng huấn luyện viên thể lực cấp độ 1 của AFC hoặc bằng huấn luyện viên bóng đá trong nhà (Futsal) cấp độ 1 của AFC hoặc bất kỳ bằng cấp huấn luyện tương đương của nước ngoài được AFC công nhận;
– Văn bằng do cơ quan có thẩm quyền cấp đáp ứng quy định về trình độ, trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Lưu ý khái niệm theo quy định tại nghị định 152/2020/NĐ-CP đối với các trường hợp này
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
2. Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
3. Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
c) Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
4. Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.
5. Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
6. Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo;
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
7. Hiện diện thương mại bao gồm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
8. Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng là người lao động nước ngoài làm việc ít nhất 02 năm (24 tháng) trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam và phải đáp ứng quy định đối với chuyên gia tại khoản 3 Điều này.
9. Người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức chào bán dịch vụ là người lao động nước ngoài không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ.
Thủ tục cấp giấy phép lao động qua mạng
Kể từ ngày 02/10/2017, thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH sẽ có hiệu lực để hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng điện tử (hay còn gọi là cấp giấy phép lao động online). Do đó, việc cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử được thực hiện tại cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn.
– Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
– Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động thì cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động.
– Trường hợp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động không đúng với tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đã gửi qua cổng thông tin điện tử thì cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời bằng văn bản hoặc qua thư điện tử hoặc thông báo trực tiếp cho người sử dụng lao động.
Sau khi được cấp giấy phép lao động, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho người lao động. Thẻ tạm trú này có giá trị thay thế thị thực (VISA) cho phép người nước ngoài được cư trú có thời hạn tại Việt Nam
Mức phạt khi không có giấy phép lao động
Căn cứ theo điều 32 nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử phạt hành khi người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động như sau:
Điều 32. Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định;
b) Không gửi hợp đồng lao động bản gốc hoặc bản sao có chứng thực đã ký kết sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:
a) Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
b) Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
5. Hình thức xử phạt bổ sung
Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện phải xin giấy phép lao động thì sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Đối với người sử dụng lao động trong trường hợp có vi phạm khi sử dụng người lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt tùy thuộc vào số lượng người lao động nước ngoài mà doanh nghiệp sử dụng nhưng không xin giấy phép. Mức phạt cao nhất là từ 60.000.000 VNĐ đến 75.000.000 VNĐ đối với vi phạm từ 21 người lao động trở lên.
Vì vậy, thiết nghĩ trước khi sử dụng lao động lao động là người nước ngoài doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu kỹ việc:
– Kê khai và báo cáo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài đến UBND cấp tỉnh (thành phố) nơi người lao động nước ngoài sẽ làm việc
– Tuân thủ chặt chẽ việc xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, trước khi họ vào Việt Nam làm việc 15 ngày.
Câu hỏi thường gặp
1. Thời hạn của giấy phép lao động? Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của giấy tờ xin giấy phép lao động (hợp đồng lao động, thỏa thuận…) nhưng không quá 02 năm. Các trường hợp chưa cấp đủ 2 năm nếu đủ điều kiện có thể được gia hạn GPLĐ tối đa tới 2 năm.
2. Giấy phép lao động phải xin trước tối thiểu bao nhiêu ngày? Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi hồ sơ tới cơ quan cấp phép lao động.
3. Giá trị giấy phép lao động khi kết thúc hợp đồng? Giấy phép lao động có hiệu lực không quá thời hạn của hợp đồng lao động. Trường hợp hợp đồng lao động kết thúc trước hạn thì khi người lao động chuyển công ty mới mà không thay đổi vị trí công việc có thể làm thủ tục Cấp phép lao động khi thay đổi công ty (không đổi vị trí công việc)