Thứ năm (12/09/2024)

Luật sư có được làm chứng giao dịch

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Luật sư có được làm chứng giao dịch hay không? Luật sư làm chứng cho các giao dịch có rủi ro gì?

Luật sư có được làm chứng cho giao dịch hay không?

Theo quy định tại điều 30 luật luật sư có quy định về các hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm:

Điều 30. Hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư
1. Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo quy định này, luật sư có thể xác nhận giấy tờ, các giao dịch giúp đỡ khách hàng. Tuy nhiên, việc xác nhận hiện tại không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên có thể có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác nhận giấy tờ giao dịch này. Trong một số trường hợp, việc xác nhận, làm chứng của luật sư với mục đích tạo sự tin tưởng trong giao dịch, nếu giao dịch bất hợp pháp luật sư có thể bị xử lý đồng phạm nếu giao dịch có vi phạm pháp luật.

Luật sư làm chứng cho hợp đồng mua bán đất

Đối với các giao dịch đất đai đều phải thực hiện qua công chứng. Một số trường hợp đất chưa đủ điều kiện giao dịch, luật sư làm chứng cho giao dịch có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể vào ngày 16/06/2023, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi cho Đoàn LS, kiến nghị phòng ngừa tội phạm. Cụ thể, cơ quan này cho biết, trong thời gian qua, có một số LS thuộc Đoàn LS Đồng Nai đã lợi dụng văn phòng (VP) LS và con dấu để xác nhận, chứng kiến việc mua bán giấy tờ tay (không được pháp luật công nhận) cho các đương sự để hưởng thù lao (500.000 đồng đến 1 triệu đồng). Việc làm này tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc làm chứng và dùng con dấu của VPLS xác nhận vào hợp đồng mua bán bằng giấy tờ tay, làm cho người mua đất của bị can Q. nhầm tưởng hợp đồng có giá trị pháp lý nên đã tạo điều kiện cho Q. lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương“, theo nội dung công văn gửi Đoàn LS do ông Lê Nguyễn Thắng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai ký.

Liên quan tới vấn đề này, các công ty luật, VPLS liên quan tuy không bị phạt về việc “làm chứng” nhưng đã bị xử lý về lý do “Hoạt động không đúng trụ sở đã ghi trong giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư” và “Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản“.

Trong tọa đàm “LS làm chứng trong mua bán đất đai” do Đoàn LS tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 14.4, bà Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng LS làm chứng trong hợp đồng là vi phạm pháp luật

Từ các phân tích trên có thể thấy, việc làm chứng của luật sư đối với giao dịch hiện tại không có quy định cấm cụ thể bằng văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế, việc luật sư làm chứng có nhiều rủi ro pháp lý như:
Khó kiểm soát nội dung giao dịch (cụ thể nhiều trường hợp luật sư làm chứng cho nhiều giao dịch mà trong đó một đối tượng giao dịch được chuyển nhượng cho nhiều người khác nhau). Khác với các VPCC đối với việc chuyển nhượng BĐS có hệ thống để check thông tin giao dịch.
Dễ trở thành đồng phạm trong giao dịch lừa đảo. Nhiều trường hợp việc yêu cầu luật sư làm chứng có tác dụng giúp bên mua tin tưởng trong các giao dịch mua bán lừa đảo. Với trường hợp này, đôi khi luật sư có thể bị xử lý với trường hợp đồng phạm.
Dễ vi phạm quy định về hành nghề luật. Tương tự với các trường hợp bị xử phạt trên, trường hợp làm chứng nhưng không lập hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ bị xử lý với lỗi “Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản

Nội dung làm chứng của luật sư

Trường hợp thực hiện nội dung làm chứng theo quy định về việc “xác nhận giấy tờ, giao dịch” luật sư có thể làm chứng theo nội dung dạng:

Ngày 04/07/2023, tôi chứng kiến việc hai bên trao đổi, nói chuyện và ký kết văn bản nêu trên. Sau khi ký kết, ông A giao tiền cho ông B số tiền … đồng.

Việc làm chứng trên mang tính chất mô tả hiện tượng có giao dịch với nhau, có giao nhận tiền (không làm chứng về nội dung giao dịch)

Pháp luật có cấm việc luật sư làm chứng hay không?

Gợi mở tọa đàm ngày 14.4, LS Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai, cho biết việc LS làm chứng việc mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tờ tay xảy ra hàng trăm trường hợp trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, rủi ro… Tuy nhiên, hiện nay có 2 quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm cho rằng việc làm chứng pháp luật không cấm thì LS được phép xác nhận. Ngược lại thì không cho phép LS làm chứng.

Sau gợi mở, nhiều ý kiến của LS (kể cả LS nhiều địa phương khác như Lâm Đồng, Đắk Lắk…) đưa ra nhằm bảo vệ quan điểm được làm chứng. LS Trương Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai, cho biết trước đây ông cũng có làm chứng trong giao dịch mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tờ tay, nhưng sau khi Sở Tư pháp Đồng Nai cho văn bản chấn chỉnh nên thôi.

Nhưng nếu có vài tỉ đồng thì tôi cũng làm chứng vì pháp luật không cấm. Tôi không tranh phần của công chứng, chứng thực mà chỉ là người làm chứng biết sự việc mua bán. Đây là một dịch vụ pháp lý mà LS được phép thực hiện“, LS Dũng lý giải.

Đồng quan điểm, LS Lưu Văn Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa-Vũng Tàu, viện dẫn khoản 5 điều 22 luật LS quy định “được thực hiện dịch vụ pháp lý khác“. Mà dịch vụ pháp lý ở đây hiểu theo khoản 1 điều 30 luật LS gồm “xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật”. Từ đây, LS Tám đặt vấn đề: “Vậy LS có làm chứng được không? Theo luật thì làm được“.

Ngoài ra, nhiều quan điểm đưa ra nhằm ủng hộ cho phép LS làm chứng như giúp đỡ người dân xác nhận, khi họ không đủ điều kiện mua bán (khu vực bị quy hoạch, không đủ diện tích tách thửa… ), có nơi an cư; việc làm chứng diễn ra rất nhiều nhưng chưa có quy định xử phạt, luật pháp nhiều nước trên thế giới cho phép LS làm thay cả công chứng…

Bài học về việc làm chứng tại Hồ Chí Minh

Trong khi đó, LS Nguyễn Đức, Đoàn LS Đồng Nai, viện dẫn nhiều vụ làm chứng của LS gây hậu quả cho xã hội, mất uy tín trong giới LS như vụ Nguyễn Đình Chính vẽ dự án “ma” phân lô bán nền đất nông nghiệp xảy ra tại Đồng Nai, lừa đảo khách hàng lên đến hàng chục tỉ đồng. Liên quan vụ việc, cơ quan công an phát hiện một văn phòng LS (tại TP.HCM, có chi nhánh đóng tại Đồng Nai) soạn thảo và đóng dấu với tư cách người làm chứng vào 54 hợp đồng chuyển nhượng.

“Hiện nay, không có quy định nào cho phép LS làm chứng. Mặt khác, khi tiếp cận vụ việc, hơn ai hết LS phải biết rõ giao dịch mua bán ở đây hoàn toàn trái luật vì chưa đủ điều kiện. Đoàn LS cũng từng tổ chức tọa đàm với nội dung tương tự và Sở Tư pháp khẳng định việc làm này (LS làm chứng) là sai”, LS Đức bức xúc.

PGS-TS Hồ Xuân Thắng, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, dẫn quy định pháp luật để phản bác quan điểm của LS Lưu Văn Tám. Ông Thắng cho rằng LS Tám vận dụng khoản 1 điều 30 mà quên khoản 2 điều 30 quy định: “Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, LS có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan”. Luật pháp liên quan trong những trường hợp này, theo ông Thắng, là luật Đất đai và luật Kinh doanh bất động sản đều buộc khi giao dịch phải công chứng, chứng thực. “Và trong 2 luật này đều không hề có quy định nào cho phép LS tham gia làm chứng trong hợp đồng mua bán”, ông Thắng đúc kết.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan