Sở hữu chéo là gì? Hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Sở hữu chéo là gì? Hình thức thể hiện của sở hữu chéo? Mức phạt khi sở hữu chéo trái quy định
Theo quy định về công ty mẹ, công ty con tại luật doanh nghiệp 2020 tồn tại khái niệm “sở hữu chéo”. Vậy sở hữu chéo là gì? Như thế nào là sở hữu chéo trong công ty?
Khái niệm sở hữu chéo
Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau. Theo quy định tại điều 195 luật doanh nghiệp 2020 về công ty mẹ, công ty con quy định:
Điều 195. Công ty mẹ, công ty con
2. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
Ví dụ: Công ty A sở hữu 50% vốn của công ty B; công ty B cũng sở hữu 50% vốn của công ty A.
Sở hữu chéo, nếu ở mức độ đơn vị này kiểm soát đơn vị kia, thì có thể tạo ra doanh thu giả, lợi nhuận giả, hay chuyển giá giữa các thành viên trong công ty. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sở hữu chéo khiến cho ngân hàng này chỉ đạo ngân hàng kia cho vay, gây thiệt hại cho các cổ đông thiểu số hay thiệt hại cho chính ngân hàng bị chỉ đạo. Khi một ngân hàng gặp khó khăn thì các cổ đông sở hữu chéo lập tức “rút êm”, để lại hậu quả cho Nhà nước và nhân dân gánh chịu. Nhà nước vì không nỡ để thị trường tài chính xáo trộn nên buộc phải giải cứu và hậu quả là người đóng thuế phải chịu.
Mặt khác, sở hữu chéo có thể khiến việc một nhóm cổ đông có thể kiểm soát toàn bộ công ty mà không nhất thiết phải nắm cổ phiếu đa số trong công ty đó. Thí dụ công ty A nắm 20% cổ phần của công ty B. B lại nắm 20% cổ phần của công ty A. Điều này sẽ dẫn đến việc A có thể dùng tiền đầu tư của B để đầu tư vào kiểm soát C, sau đó C lại nắm 30% cổ phần công ty A. Như vậy cuối cùng A kiểm soát toàn bộ B, mà không cần phải bỏ đến 50% vốn.
Thể hiện của sở hữu chéo
Sở hữu gián tiếp thông qua nhiều cá nhân, tổ chức trung gian:
Ví dụ: Doanh nghiệp A sở hữu doanh nghiệp B nhưng doanh nghiệp B không trực tiếp sở hữu doanh nghiệp A mà doanh nghiệp B lại sở hữu doanh nghiệp C, sau đó doanh nghiệp C mới trực tiếp sở hữu doanh nghiệp A.
Sở hữu chéo thông qua mối quan hệ vay, tài trợ
Ví dụ: sau khi đã vay vốn của ngân hàng, con nợ sử dụng chính nguồn tiền vay để mua cổ phiếu và thâu tóm ngân hàng là chủ nợ. Hậu quả dễ nhận thấy nhất là ngân hàng thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo của con nợ thì ngân hàng lại miễn giảm lãi, xóa nợ, thậm chí tiếp tục cho vay để con nợ rút vốn
Mức phạt khi sở hữu chéo
Mức phạt khi sở hữu chéo được quy định tại điều 39 nghị định 50/2016/NĐ-CP như sau:
Điều 39. Vi phạm quy định đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ;
b) Các công ty con của cùng một công ty mẹ cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau;
c) Các công ty con có cùng công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thoái vốn, rút cổ phần từ công ty mẹ hoặc công ty con khác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này;
b) Buộc thoái vốn khỏi doanh nghiệp được thành lập đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.