Thứ Năm (28/03/2024)

Sống thử có vi phạm pháp luật không?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Sống thử là gì? Việc chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật hay không? Các hậu quả pháp lý về vấn đề này

Sống thử” là một khái niệm không còn mới lạ đối với giới trẻ ngày nay. Ở các thành phố lớn, khu công nghiệp lớn hay các cụm trường học dạy nghề tập trung thì sống thử là một lối sống mới của giới trẻ. Vậy quy định pháp luật đối với việc sống thử như thế nào?

Sống thử là gì?

Sống thử là việc các đôi nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng và không có đăng ký kết hôn. Theo khoản 7 điều 3 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Ngoài ra, trong Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 đã giải thích chi tiết hơn:

Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…

Xem thêm: Độ tuổi kết hôn

Hậu quả pháp lý khi sống thử

Khi có phát sinh tranh chấp về tài sản thì hai bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cụ thể tại điều 14, 15 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn

Trong Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng luật dân sự 2015 về quy định tài sản thuộc sở hữu chung theo điều 219 luật dân sự 2015

Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quan hệ tài sản của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận của các bên nếu như không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của luật dân sự, và các quy định khác của pháp luật liên quan. Trong quy định đã ưu tiên sự thỏa thuận của các bên là quy định hợp lý vì nó vừa thể hiện tính chất của nguyên tắc quan hệ pháp luật này tự nguyện. Thế nhưng, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lại không đề cập đến trường hợp thỏa thuận vô hiệu, trong khi trường hợp giữa các bên không có thỏa thuận và trường hợp giữa các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận vô hiệu là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, giữa các bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống như vợ chồng có thỏa thuận với nhau về quan hệ tài sản, nhưng thỏa thuận đó là giả tạo nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì bị xem là thỏa thuận vô hiệu. Nếu như thỏa thuận đó vô hiệu thì có được thức hiện hay đương nhiên xem là không có thỏa thuận.

Xem thêm: Ly hôn khi không có đăng ký kết hôn

Mức phạt khi chung sống mà không có đăng ký kết hôn

Phạt hành chính với hành vi sống chung như vợ chồng
Hành vi này được quy định xử phạt tại nghị  định 110/2013/NĐ-CP và sửa đổi ở nghị định 67/2015/NĐ-CP như sau:

Điều 48 Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.

Xử lý hình sự khi chung sống không có đăng ký kết hôn
Trường hợp hai bên chung sống với nhau mà ko có đăng ký kết hôn mà một trong hai bên đã có vợ có chồng có thể bị xử lý hình sự như sau:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.


Tác động tiêu cực của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Hôn nhân là cơ sở để hình thành gia đình- tế bào của xã hội. Hôn nhân quan trọng như vậy nên ngay từ năm 1959 Nhà nước ta đã ban hành luật hôn nhân và gia đình để kiểm soát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình trong đó có việc kết hôn của hai bên nam nữ tạo điều kiện để xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh  hơn. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống không phải lúc nào người dân cũng tuân thủ đúng các qui định của pháp luật. rất nhiều cặp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không hề đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Việc này đã ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích của hai bên nam nữ, tới cuộc sống hôn nhân, đời sống gia đình của họ. Thông qua  tìm hiểu đề tài “ Những tác động tiêu cực của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tới đời sống hôn nhân và gia đình “ chúng ta sễ thây rõ tác động tiêu cực của vấn đề này.

MỘT SỐ LÝ LUẬN CHUNG VỀ VIỆC NAM NỮ CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Khái niệm

Khi đề cập đến vấn đề nam nữ chung sống như vợ như chồng đã xuất hiện rất nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng: chung sống với nhau như vợ chồng là việc một người đang có vợ, có chồng nhưng lại chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ có chồng nhưng lại sống chung với người mà mình biết rõ là đã có vợ, có chồng một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung với nhau trong một thời gian dài.

Tuy nhiên nhiều người khác lại hiểu: nam nữ sống với nhau không làm hôn thú nhưng được bà con làng xóm nơi mình sinh sống, gia đình công nhận là vợ chồng, công nhận con cái sinh ra là con của hai người đó thì được gọi là chung sống như vợ chồng.

Những quan điểm trên chỉ là cách hiểu của một nhóm người trong xã hội về việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng. Còn về dưới góc độ  pháp lý thì nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng là trường hợp nam nữ có đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo qui định của pháp luật nhưng lại không đăng ký kết hôn. Pháp luật không công nhận họ là vợ chồng nhưng trên thực tế khi sống chung với nhau họ vẫn thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với nhau như vợ chồng.

Quy định của pháp luật nước ta về vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Thời kỳ trước cách mạng tháng Tám năm 1945

Pháp luật thời phong kiến ở nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo nên những nghi thức truyền thống theo phong tục tập quán được đề cao. Do vậy trong thời kỳ này, pháp luật phong kiến không thừa nhận việc nam, nữ ” thành hôn một cách cẩu thả, tự do”. Vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng không được thừa nhận trong bộ luật Hồng Đức của nhà Lê và bộ Luật Gia Long của Nhà Nguyễn.

Đến thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp dựa theo bộ Dân luật của mình để đưa ra những quy định trong lĩnh vực hôn nhân. Khi kết hôn hai bên phải khai giá thú với hương bộ. Những trường hợp không khai giá thú với hương bộ thì giá thú đấy bị pháp luật coi là vô hiệu. Pháp luật chỉ thừa nhận là hôn nhân hợp pháp khi hai bên kết hôn đã đăng ký kết hôn với hộ lại. Không chấp nhân các trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Thời kỳ từ năm 1945 đến nay.

Năm 1959 Luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước ta đã được ban hành. Trong luật này, vấn đề nam, nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn cũng không được Pháp luật nước ta thừa nhận. Điều 11, luật hôn nhân và Gia đình năm 1959 qui định:

 Việc kết hôn phải được Uỷ Ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc người con gái công nhận và ghi vào sổ đăng ký kết hôn.

Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp lý ”.

Điều kiện hoàn cảnh đặc biệt của đất nước nên thông tư 112/NCPL ngày 19/8/1972 Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn nêu các điều kiện khác đều được thoả mãn nhưng chỉ riêng hôn nhân chưa đăng ký thì toà án coi là hôn nhân thực tế. Thông tư này cũng đưa ra trường hợp” nam nữ chung sống tạm bợ” để phân biệt và hướng dẫn các toà án giải quyết trong từng trường hợp cụ thể.

Qui định này phù hợp với tình hình xã hội lúc bấy giờ của nước ta.

Năm 1986 luật hôn nhân và gia đình mới của nước ta được ban hành đã quy định chặt chẽ vấn đề kết hôn của các bên nam nữ nhưng do diều kện hoàn cảnh lịch sử của đất nước nên cũng thừa nhận hôn nhân thực tế.

Từ ngày 1/1/2000 luật hôn nhân và gia đình mới của nước ta được ban hành có hiệu lực không công nhận trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng. Pháp luật chỉ công nhận các bên nam nữ là vợ chồng của nhau khi họ làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định.

Quy định của pháp luật hiện hành về việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Điều 11 Luật hôn và gia đình Việt Nam năm 2000 qui định:
“Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ( sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn). Thực hiện theo nghi thức qui định tại điều 14 của Luật này.
Mọi nghi thức kết hôn không theo qui định tại điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.
Nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Vợ chồng ly hôn nhau muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.”

Như vậy về mặt pháp lý trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Nên khi xảy ra các tranh chấp về chia tài sản khi không chung sống với nhau nữa; thừa kế tài sản khi một trong hai người chết sẽ không được các cơ quan có thẩm quyền xét xử theo các qui định về ly hôn giữa vợ và chồng.

Tuy nhiên do điều kiện xã hội. Pháp luật nước ta vẫn công nhận một số trường hợp nam nữ sống chung như vợ như chồng không đăng ký kết hôn là vợ chồng hợp pháp. Trong thông tư liên tịch của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc Hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình  qui định như sau:

Trong trường hợp mà nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng được xác lập trước ngày 03/1/1987( ngày luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, thì vẫn được công nhận là vợ chồng. Nếu một trong hai bên có yêu cầu xin ly hôn thì toà án thụ lý vụ án áp dụng quy định về ly hôn của luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Còn đối với việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/1/1987 trở đi đến trước ngày 01/1/2001 có đủ điều kiện kết hôn mà chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng thì theo qui định tai điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc Hội họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn từ ngày 1/1/2001 đến ngày 1/1/2003.

Kể từ sau ngày 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc Hội họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Việc quy định như vậy đã thể hiện được sự linh hoạt của pháp luật nước ta. Tạo cơ hội cho mọi người chấp hành các quy định của pháp luật được tốt hơn. Những nhà làm luật nước ta nên có sự tìm hiểu thực tiễn cuộc sống để dự liệu được các tình huống có thể xảy ra để luật hôn nhân và gia đình nước ta được chặt chẽ hơn.

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA VIỆC NAM NỮ CHUNG SỐNG NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN TỚI ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Thực trạng việc nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Một vài năm gần đây tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng diễn ra khá phổ biến. Thật đáng buồn khi rất nhiều người lại cho rằng đó là chuyện rất bình thường trong cuộc sống. Hiện tượng sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn diễn ra rất nhiều ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh…Nơi mà kinh tế phát triển mạnh, có điều  kiện giao lưu văn hoá với nhiều nước trên thế giới. Lối sống theo kiểu Phương Tây đã du nhập vào Việt Nam. Theo kết quả điều tra tư đề tài khoa học’’ hiện tượng chung sống trước hôn nhân của giới trẻ độc thân  tại Thành Phố Hò Chí Minh trong mối ổn định với gia đình trẻ’’ của sở khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh thì chuyện chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tập trung chủ yếu nhất ở giới công nhân lao động xa nhà(42,5%),giới văn phòng trí thức (33,8%). Độ tuổi trung bình sồng chung là từ 22- 27 tuổi (62,3%).

Hiện nay vấn đề sống thử ‘’góp gạo thổi cơm chung’’ trong giới học sinh, sinh viên diễn ra rất nhiều và có xu hướng ra tăng trong những năm gần đây. Khi yêu nhau nhiều bạn sinh viên đặc biệt là những bạn sinh viên sống xa nhà đã có suy nghĩ sống chung với người yêu của mình để tích kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày, được nhìn thấy nhau nhiều hơn, hằng ngày đỡ phải nhắn tin hay gọi điện cho nhau… Những lợi ích mù quoáng đó đã khiến họ quyết định sống chung như vợ chồng mà không hề nghĩ tới hậu quả do việc sống chung đó gây ra cho bản thân mình sau này. Đi tới các xóm trọ sinh viên ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh sống chung như vợ chồng của một số bạn sinh viên. Tình trạng này thật đáng buồn và đau xót khi chúng ta tiếp tục tìm hiểu về những tác động tiêu cực của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tới đời sống hôn nhân và gia đình sau này của hai bên nam nữ.

Không những thế tình trạng nam nữ lấy nhau mà chỉ tổ chức lễ cưới và nhận được sự đồng ý từ hai bên gia đình diễn ra ngày càng nhiều đặc biệt là ở vùng sâu vùng sa. Ỏ đây hiểu biết về pháp luật của người dân còn thấp vì vậy họ chưa biết được hết tầm quan trọng cũng như hậu quả của việc không đăng ký kết hôn. Họ chỉ nghĩ sống chung cùng một nhà, được cha mẹ hỏi cưới, tổ chức lễ cưới cho, bà con làng xóm, thôn, bản biết, công nhận họ là vợ chồng là họ đã là vợ chồng của nhau rồi. Việc kết hôn theo nghi thức truyền thống được coi trọng và họ cho đó là vấn đề quan trọng nhất của hôn nhân còn giấy đăng ký kết hôn không phải là cái quan trọng. Sở dĩ hiện tượng này diễn ra ngày càng nhiều ở vùng nông thôn vùng, sâu, vùng sa chính là do nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân nơi đây còn hạn chế.

Hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tới đời sống hôn nhân và gia đình.

Ảnh hưởng đến nhân phẩm của hai bên nam, nữ do vậy họ khó tìm được hạnh phúc sau khi việc sống chung bị đổ vỡ.

Con người khi đang yêu nhau họ vẫn nghĩ người mình đang yêu sẽ làm vợ hoặc chồng của mình sau này. Người đó sẽ sống với mình tới” đầu bạc răng long”. Nhưng thực tế lại khác khi sống cùng nhau như vợ chồng dưới một gia đình lại nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn xung đột. Dần dàn khi tình yêu đã phai nhạt thì họ lại” đường ai người đấy đi”. Khi được trải nghiệm cuộc sống họ mới nhận ra việc chung sống như vậy là việc không tốt họ muốn làm lại từ đầu nhưng rất khó. Bởi tư tưởng  Nho giáo đã ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi người Việt Nam chúng ta. Người yêu mới của bạn chỉ có thể chấp nhận việc bạn đã từng có người yêu hay đã yêu một ai đó mà không thể chấp nhận bạn đã sống chung như vợ như chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn. Vấn đề bị mang tiếng này đặc biệt ảnh hưởng tới hạnh phúc của người phụ nữ. Việt Nam vẫn là một nước Á Đông nên vấn đề trinh tiết của người phụ nữ rất quan trọng

Sau khi chung sống như vợ chồng với người mình yêu và đổ vỡ tình yêu đến nay T vẫn chưa tìm được một ai khác. Muốn xây dựng một gia đình thực sự nhưng rất khó để mong ước giản dị đó của T thành hiện thực. Đơn giản bởi các cô gái khi nghe đến chuyên T đã từng chung sống như vợ chồngvới một người con gái, các cô gái đều bỏ chạy. Nhiều lần T đã ngỏ lời với những cô gái khác nhưng đều bị từ chối. Có người không biết chuyện của T thì đồng ý tuy nhiên sau khi tìm hiểu người đó cũng biết chuyện và chia tay với T.

Hành vi chung sống như vợ chồng với người yêu mà không đăng ký kết hôn của T hoàn toàn không phải chịu các biện pháp xử phạt của pháp luật nước ta. Tuy nhiên T lại phải chịu một sức ép rất lớn từ dư luận xã hội. Vậy đó khi đã sống chung với một ai đó bạn sẽ bị mang tiếng, chịu những lời đồn thổi không hay về mình từ dư luận xã hội nên khó có thể tìm được hạnh phúc thật sự cho mình về sau. Dư luận xã hội là vậy  nó như một con dao nhọn và sắc khi bạn đã bị nó đâm rồi thì rất khó để chữa lành lại vết thương. Viết thương đó thỉnh thoảng lại nhói đau trở lại trong trái tim của bạn.

Ảnh hưởng đến sức khoẻ của người phụ nữ sau thời gian chung sống như vợ chồng

Sống chung trong một mái nhà như vợ như chồng thường là  những người còn rất trẻ. Họ không muốn bị rằng buộc bởi con cái nên không ít những cặp nam nữ đã dùng thuốc tránh thai trước khi quan hệ tình dục, khi xảy ra việc mang thai họ lại tìm tới các cơ sở y tế để giải quyết hậu quả. Theo điều tra xã hội Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở phụ nữ trẻ tuổi chưa lập gia đình phụ nữ phá  thai dưới 19 tuổi chiếm 5 % số ca nạo phá thai, phụ nữ chưa có chồng 25 % và phụ nữ chưa có con là 36% ( theo thống kê đưa ra tại hội thảo “Sức khoẻ sinh sản và phòng chống HIV/ AIDS năm 2007). Họ chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến những hậu quả nặng nề của những việc đó về sau. Theo các nghiên cứu khoa học thì việc lạm dụng thuốc tránh thai, việc nạo phá thai đều để lại cái giá rất đắt cho người phụ nữ. Việc nạo phá thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người phụ nữ như: nhiễm trùng, thủng tử cung, nguy cơ sảy thai, sinh con non thậm chí là vô sinh. Nhiều phụ nữ sau khi kết hôn, đã rất đau khổ vì biết mình bị vô sinh, không thể sinh con được nữa. Người ta vẫn nói thiên chức làm mẹ là thiên chức cao cả của người phụ nữ. Còn gì buồn hơn là mình không thực hiện được quyền làm mẹ thiêng liêng đó. Đâu chỉ có thế khi kết hôn mà không có con thì gia đình đó rất dễ bị tan vỡ. Người vợ sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ cha mẹ chồng. Người Việt Nam chúng ta vốn rất coi trọng việc con cái , vấn đề nối dõi tông đường. Hiện nay rất nhiều vụ ly hôn đã xảy ra cũng chỉ vì vấn đề này.

Chị H và anh P là sinh viên đại học năm thứ tư. Vì yêu nhau nên hai người đã quyết định sống chung với nhau nhưng không hề đi dăng ký kết hôn trong một thời gian dài Chị H đã dâng hiến tất cả tình yêu của mình cho P. Chị không nhớ rõ mình đã uống không biết bao nhiêu viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Có lần để xảy ra việc ngoài ý muốn chị H đã phải tự đi phá thai một mình. Nhưng chi đâu biết P đã phản bội chị. Bên cạnh sống chung với chị như vợ chồng  P còn có quan hệ tình dục với người con gái khác. Biết được sự thật đó chị H  đã quyết định phải trở lại là chính mình sống thật tốt để làm cha mẹ mình được vui. Tốt nghiệp xong đại học chị đã vào Nam sinh sống ,kiếm được một việc làm với mức lương rất khá và gặp được một người yêu thương mình thật lòng chính là chồng chị bây giờ. Tuy nhiên cuộc sống vợ chồng của chị lại không thật sự hạnh phúc vì đã lấy nhau được 3 năm rối mà chị vẫn chưa có con . Nguyên nhân dẫn đến việc đó chính là do chị đã uống quá nhiều thuốc tránh thai khi còn chung sống như vợ chồng với P dẫn đến vô sinh.

Ở trong ví dụ trên chị H và anh P có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhưng lại chỉ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn. Nếu như họ đăng ký kết hôn xác lập quan hệ vợ chồng hợp pháp thì có lẽ họ đã có một gia đình hạnh phúc. Bởi khi  xác lập quan hệ hợp pháp thì chắc chắn họ sẽ sinh con với nhau mà không cần dùng đến quá nhiều thuốc tránh thai như vậy. Không những thề nều anh P có hành vi ngoại tình thì lợi ích của chị H sẽ được pháp luật bảo vệ. Như vậy việc H và P không làm đăng ký kết hôn mà đã sống chung với nhau như vậy là hành động dại dột và thiếu suy nghĩ nên H đã phải trả một cái giá quá đắt cho hành động đó của mình

Ảnh hưởng tới con cái của họ.

Trẻ con rất ngây thơ, hồn nhiên, là người không có tội gì cả. Chúng xứng đáng để được hưởng một cuộc sống hạnh phúc bên cha, mẹ. Nhưng những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà cha mẹ chúng kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn lại phải chịu nhiều thiêt thòi. Đặc biệt là những đứa trẻ được sinh ra khi người cha lại không chịu thừa nhận đứa trẻ sinh ra đó là con của mình. Khi đó trong giấy  khai sinh, đứa trẻ này chỉ được mang họ của mẹ mà thôi. Nếu muốn được mang họ cha thì người mẹ đó phải làm đơn yêu cầu Toà án truy nhận cha cho người con đó. Trong trường hợp này Toà án sẽ xác minh bằng nhiều cách, trong đó có cách làm xét nghiệm AND. Việc này không chỉ mất thời gian, phức tạp mà còn gây tâm lý nặng nề, buồn phiền cho người mẹ và đứa con. Khi bước vào cuộc sống chúng sẽ phải chịu những lời dị nghị của dư luận xã hội về thân thế, về giấy khai sinh của mình.

Gây khó khăn trong việc giải quyết vấn đề nhân thân và tài sản khi họ không sống chung với nhau nữa.

Nhiều căp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng chỉ tổ chức lễ cưới, được hai bên gia đình, bạn bè, bà con làng xóm công nhận là vợ chồng mà hoàn toàn không thực hiện việc quan trọng nhất khi về sống chung với nhau là đi đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi một trong hai bên nam nữa đang cư trú. Trong thời gian sống chung với nhau họ coi nhau là vợ chồng, cùng nhau vun đắp và xây dựng một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên nhiều trường hợp khi chung sống giữa họ đã nảy sinh rất nhiều xung đột, mâu thuẫn dẫn đến bỏ nhau. Những trường hợp như vậy khi chia tay xảy ra rất nhiều tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về tài sản. Đối với những trường hợp sống chung với nhau không đăng ký kết hôn sau ngày 1/1/2000, thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng nên khi có tranh chấp toà án không thể giải quyết như quy định của pháp luật về ly hôn được mà tài sản của ai thì thuộc về người đó. Nhiều ngưòi không chứng minh được tài sản đó là của mình nên đành chịu thiệt thòi. Trưòng hợp mà một bên vợ hoặc chồng chết nhưng không để lại di chúc do đó người vợ hoặc người chồng còn sống không được thừa kế tài sản mà người kia để lại.

Năm 2005 chị A và anh B lấy nhau nhưng họ chỉ tổ chức lễ cưới mời bạn bè đến dự mà không đi đăng ký kết hôn. 3 năm sau không may anh B đột ngột qua đời. Căn nhà mà anh B và chị A đang sống đã bị mẹ của anh A và hai cô con gái chiếm đoạt và đuổi chị B ra khỏi nhà

Khi có đơn kiện đến toà nhưng về mặt pháp luật chị A và anh B không phải là vợ chồng của nhau. Như vậy quyền lợi của chị A sẽ không được pháp luật bảo vệ. Chị hoàn toàn không có quyền thừa kế căn nhà đó.

Một số tác động tiêu cực khác.

Trường hợp một người đã có vợ hoặc có chồng mà chung sống như chồng với người khác là vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng mà pháp luật quy định. Việc sống chung như vậy đã làm cho cuộc hôn nhân trước của họ đi vào đổ vỡ. Không những vậy người thực hiện hành vi sống chung đó sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ; Khoản 1, Điều 147. Bộ luật hình sự năm 1999 ( sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định;

“Người nào đang có vợ , có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ có chồng, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà con vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”

Bên cạnh đó việc chung sống như vậy còn gây khó khăn cho cấp chính quyền trong việc quản lý  hộ tịch, thường trú trên địa bàn mà mình phụ trách.

Phương hướng hoàn thiện pháp luật nước ta về vấn đề chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Theo ý kiến của cá nhân em, để ngăn chặn được những tác động của việc nam nữ chung sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Những cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cần phải chủ động nắm bắt thực tế đời sống hôn nhân của các bên nam nữ để kịp thời tuyên truyền, giải thích cho họ thấy được hậu quả của việc không đăng ký kết hôn. Cùng với đó là khuyến khích tạo điều kiện cho họ đi đăng ký kết hôn.

Qua tìm hiểu nguyên nhân một số cặp nam nữ lấy nhau rồi mà chưa thưc hiện việc đăng ký kết hôn là do họ bận rộn với công việc của mình, thủ tục làm đăng ký kết hôn mất nhiều thời gian nên họ ngại. Nên vấn đề thủ tục hành chính về đăng ký kết hôn cũng cần phải được sửa đổi, đơn giản hoá hơn nữa để tránh sự ngần ngại cho hai bên nam nữ khi đăng ký kết hôn.

Bên cạnh đó đối với những trường hợp dã có vợ hoặc có chồng rồi mà vẫn chung sống như vợ chồng với người khác thì pháp luật cần phải quy định mức xử phạt  cao hơn nữa để những bên vi phạm thực hiện đúng nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng mà Luật hôn nhân và gia đình nước ta đã quy định. Mức xử phạt hành chính như hiện nay đối với những người vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng còn quá nhẹ nên họ vấn đề vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng diễn ra ngày càng phổ biến

KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Quả thực trong đời sống hiện nay vấn đề nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn đang diễn ra rất phổ biến và đa dạng. Những vấn đề nảy sinh xung quanh hiện tượng này đang là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng rất nhiều tới quyền lợi của các bên nam nữ. Gây nhiều khó khăn cho toà án khi giải quyết các án kiện về nhân thân và tài sản. Việc kiểm soát vấn đề hộ tịch cũng gặp không ít khó khăn. Từ việc nhận rõ hậu quả đó các bên nam nữ nên thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thực hiện như vậy không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình mà còn giúp cho xã hội ổn định và tốt đẹp hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
  2. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959
  3. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986
  4. luật hôn nhân và gia đình năm 2000
  5. Nghị định của Chính Phủ số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
  6. Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Nghi quyết số 35/2000/QH10 về thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
  7. Bộ Dân Luật Bắc Ký 1931.
  8. Viện Khoa học pháp lý , Bộ Tư pháp . một số vấn đề về pháp luật dân sự Việt Nam từ thế kỷ XV đến thời kỳ Pháp thuộc , Nxb. Chính tri quốc gia Hà Nội,1998.
  9. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005.
  10. Bộ luật dân sự Cộng hoà Pháp năm 2005 ( phần các quy định về hôn nhân và gia đình).
  11. Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10.
  12. Nghị định của Chính Phủ số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan