Thứ Sáu (29/03/2024)

Thành lập tổ chức khoa học công nghệ

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu về KHCN như thế nào? Hướng dẫn quy định lập viện khoa học công nghệ

Cơ sở pháp lý

– Luật khoa học công nghệ 2013
– Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ
– Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ
– Công văn số 4049/BKH-ĐKKD về việc đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập
– Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Tổ chức khoa học công nghệ là gì?

Theo quy định tại luật khoa học và công nghệ 2013

Điều 3Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.
10. Dịch vụ khoa học và công nghệ là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
11. Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tổ chức KHCN là Viện Nghiên Cứu

Theo quy định tại nghị định 08/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức khoa học công nghệ như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập là tổ chức khoa học và công nghệ do cơ quan có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 12 Luật khoa học và công nghệ và do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, thành lập và đầu tư.
2. Tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập là tổ chức khoa học và công nghệ do doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức Việt Nam không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này thành lập.
3. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài là tổ chức khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập hoặc góp vốn hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập tại Việt Nam.

Cần phân biệt tổ chức KHCN với doanh nghiệp KHCN. Trong bài viết này, AZLAW sẽ chỉ trao đổi về tổ chức KHCN, mời các bạn theo dõi

Xem thêm: Thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Điều kiện thành lập tổ chức KHCN

Điều kiện thành lập tổ chức KHCN được quy định tại điều 8 nghị định 08/2014/NĐ-CP cụ thể gồm:

Điều kiện về nhân lực
–  Mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 05 (năm) người có trình độ đại học trở lên bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức.
Tổ chức khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện phải có ít nhất một người có trình độ tiến sĩ phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và làm việc theo chế độ chính thức.
– Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp.

Điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật
Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất – kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.

Hồ sơ thành lập tổ chức khoa học công nghệ

Hồ sơ theo hướng dẫn tại điều 6 thông tư 03/2014/TT-BKHCN
1. Đơn đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ theo Mẫu 5 thông tư 03/2014/TT-BKHCN
2. Phải có biên bản họp có chữ ký của những người sáng lập, trong đó thống nhất các nội dung cơ bản liên quan đến điều lệ tổ chức và hoạt động, các chức danh lãnh đạo, quản lý và các nội dung khác.
Điều lệ của tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập theo Mẫu 7 thông tư 03/2014/TT-BKHCN
Điều lệ phải có chữ ký của cá nhân hoặc các cá nhân thành lập, được cơ quan cấp giấy chứng nhận thẩm định trước khi cấp và có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận. Lĩnh vực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đối với nhân lực chính thức:
+ Đơn đề nghị được làm việc chính thức theo Mẫu 9
+ Bản sao (có chứng thực hợp pháp) các văn bằng đào tạo;
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận trong thời hạn không quá 01 năm của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trước khi chuyển sang làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ; trường hợp nhân lực chính thức không phải là công dân Việt Nam thì phải có lý lịch tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận trong thời hạn không quá 01 năm và được hợp pháp hóa lãnh sự.
4. Đối với nhân lực kiêm nhiệm:
+ Đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm theo Mẫu 10 thông tư 03/2014/TT-BKHCN
+ Bản sao (có chứng thực hợp pháp) các văn bằng đào tạo;
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận trong thời hạn không quá 01 năm của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc chính thức; Trường hợp nhân lực kiêm nhiệm không phải là công dân Việt Nam thì phải có lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận trong thời hạn không quá 01 năm và được hợp pháp hóa lãnh sự;
+ Văn bản cho phép làm việc kiêm nhiệm của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân đang làm việc chính thức.
5. Đối với người đứng đầu
– Tài liệu chứng minh như đối với nhân lực làm việc chính thức
– Lý lịch khoa học theo Mẫu 11 thông tư 03/2014/TT-BKHCN
6. Bảng kê khai cơ sở vật chất – kỹ thuật theo Mẫu 12 và phải có thêm các tài liệu sau đây:
– Biên bản họp của những người sáng lập/các bên góp vốn hợp tác ghi rõ những nội dung sau: tỉ lệ góp vốn; tổng số vốn (bằng tiền và tài sản quy ra đồng Việt Nam), trong đó số vốn góp bằng tiền phải bảo đảm đủ kinh phí hoạt động thường xuyên ít nhất trong 01 năm theo số lượng nhân lực và quy mô hoạt động của tổ chức;
– Cam kết góp vốn (bằng tiền và tài sản) của từng cá nhân/các bên góp vốn hợp tác (nếu có);
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với phần vốn đã cam kết góp;
7. Hồ sơ chứng minh trụ sở
– Bản sao (có chứng thực hợp pháp) giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ chứng minh quyền được phép cho thuê, cho mượn của bên cho thuê, cho mượn kèm theo hợp đồng thuê, mượn địa điểm làm trụ sở chính; trường hợp bản sao hợp đồng không có chứng thực hợp pháp, tổ chức có thể xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ đối chiếu và ký xác nhận vào bản sao.

Trình tự thành lập tổ chức khoa học công nghệ

Bước 1: Gửi 2 bộ hồ sơ theo quy định tới Sở KHCN nơi dự định hoạt động KHCN
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để sửa đổi, bổ sung;
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ không được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ lý do.

Đăng ký kinh doanh tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tổ chức khoa học và công nghệ theo công văn số 4049/BKHĐT-ĐKKD ngày 18/05/2017 với các trường hợp sau:
– Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
– Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên;
– Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Giấy chứng nhận tổ chức khoa học công nghệ

Thủ tục đăng ký kinh doanh tổ chức KHCN công lập

Hồ sơ đăng ký kinh doanh tổ chức KHCN công lập
– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh
– Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ;
– Bản sao họp lệ Quyết định thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
– Quyết định bồ nhiệm Thủ trưỏng tổ chức khoa học và công nghệ
– Bản sao giấy tờ pháp lý của thủ trưởng tổ chức KHCN công lập
– Bản sao hợp lệ Quyết định phê duyệt phương án tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập của cơ quan có thẩm quyền

Cơ quan tiếp nhận: Phòng ĐKKD nơi tổ chức KHCN đặt trụ sở

Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tổ chức khoa học và công nghệ

Tuy nhiên, cần lưu ý công văn số 4049/BKHĐT-ĐKKD hướng dẫn theo quy định của nghị định 54/2016/NĐ-CP và Thông tư 01/2017/TT-BKHCN (hết hiệu lực từ 15/08/2021). Theo kiểm tra của AZLAW hiện nay nghị định 60/2021/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc đăng ký kinh doanh cho tổ chức KHCN:

54/2016/NĐ-CP (hết hiệu lực)
Điều 6. Giao dịch tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập
1. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước. Lãi tiền gửi là nguồn thu của đơn vị và được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc quỹ khác theo quy định hiện hành; không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập.
2. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước, các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các khoản thu phí theo quy định hiện hành về phí, lệ phí.
3. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 3 Nghị định này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
01/2017/TT-BKHCN (hết hiệu lực)
Điều 6. Việc đăng ký kinh doanh của tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại các khoản 1, 2, 3, Điều 2 Thông tư này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, được sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp để hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Câu hỏi thường gặp

1. Tổ chức khoa học công nghệ là gì? Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức được thành lập theo luật khoa học và công nghệ để  nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì? Doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về các kết quả và sản phẩm khoa học và công nghệ

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan