Thứ Bảy (20/04/2024)

Thực hiện công việc không có ủy quyền

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Thực hiện công việc không có uỷ quyền như thế nào? Quyền và nghĩa vụ các bên trong thực hiện công việc không có uỷ quyền

Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối. Tại điều 574 Bộ luật dân sự 2015 quy định thực hiện công việc không có uỷ quyền như sau:

Điều 574. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

Điều kiện xác định thực hiện công việc không có uỷ quyền
– Người thực hiện không có nghĩa vụ thực hiện công việc đó nhưng đã tự nguyện thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện công việc hoàn toàn không do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định đối với người thực hiện công việc.
– Thực hiện công việc này vì lợi của người có công việc
– Người công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối

Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có uỷ quyền theo quy định điều 575 Bộ luật dân sự 2015

Điều 575. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền
1. Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
2. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.
4. Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
5. Trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.

Ví dụ: A nói với B vài ngày nữa sẽ cắt rau bán cho C nhưng tới ngày thu hoạch thì A không có nhà nên B cắt rau bán cho D, mặc dù biết A có ý định bán cho C nhưng B lại làm trái với ý chí của A nên nếu xảy ra thiệt hại B có trách nhiệm bồi thường cho A

Lưu ý: Trong quá trình thực hiện công việc không có ủy quyền, người thực hiện gây ra thiệt hại cho người có công việc thì phải có trách nhiệm bồi thường cho người có công việc, nếu do lỗi vô ý mà gây ra thiệt hại căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc người đó có thể giảm mức bồi thường.( điều 577 Bộ luật dân sự 2015)

Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện theo điều 576 Bộ luật dân sự 2015

Điều 576. Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện
1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền

Điều 578 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các trường hợp chấm dứt công việc không có ủy quyền như sau:

Điều 578. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền
Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.
2. Người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc.
3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 của Bộ luật này.
4. Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan