Thủ tục xác nhận số CMND
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin xác nhận lại số chứng minh nhân dân 9 số tương ứng với căn cước công dân 12 số
Hiện nay, đối với một số trường hợp đổi số CMND 9 số thành CMND 12 số hoặc căn cước công dân cần xác nhận CMND để thực hiện một số thủ tục. Vậy các thủ tục xác nhận số CMND như thế nào?
Thủ tục xác nhận số chứng minh nhân dân
Theo hướng dẫn tại điều 12 thông tư 59/2021/TT-BCA quy định như sau:
Điều 12. Xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân
1. Mã QR code trên thẻ Căn cước công dân có lưu thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân.
2. Trường hợp trong mã QR code trên thẻ Căn cước công dân không có thông tin về số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ cho công dân khi có yêu cầu.
Trường hợp thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ của công dân không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân cung cấp bản chính hoặc bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân (nếu có). Cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tiến hành tra cứu, xác minh qua tàng thư Căn cước công dân, giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể hiện thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân để xác định chính xác nội dung thông tin.
Trường hợp có đủ căn cứ thì cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cho công dân, trường hợp không có căn cứ để xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân tối đa không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Công dân có thể đăng ký cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an tại bất kỳ cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân khi công dân có thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết quả giải quyết sẽ được cập nhật, thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, khi công dân có yêu cầu được trả Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định
Như vậy, thông thường các CCCD có mã QR sẽ không cần làm thủ tục xác nhận số chứng minh nhân dân. Trường hợp cần xác nhận có thể thực hiện trực tuyến tại https://dichvucong.bocongan.gov.vn/
Cấp giấy xác nhận chứng minh nhân dân
1. Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Giấy đề nghị xác nhận số chứng minh nhân dân (Mẫu CC13 theo thông tư 41/2019/TT-BCA)
– Bản sao thẻ căn cước công dân
– Bản sao chứng minh nhân dân 9 số (nếu có)
2. Nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ tại cơ quan cấp căn cước công dân (CCCD). Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin của công dân, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy hẹn trả kết quả cho công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời gian giải quyết: 7 ngày làm việc
Lưu ý: Đối với trường hợp mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất.
Câu hỏi thường gặp
1. Xác nhận CMND khi đã chuyển tỉnh, thành phố thường trú? Theo quy định tại Điểm 1.2.3, mục 1, phần I, hướng dẫn số 3091/C61-C72 ngày 31/7/2014 của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (nay là Tổng cục Cảnh sát) thì đối với các trường hợp chuyển nơi đăng ký thường trú đến tỉnh, thành phố khác, cơ quan quản lý hồ sơ CMND nơi công dân chuyển đi có trách nhiệm sao gửi toàn bộ hồ sơ CMND cho cơ quan quản lý hồ sơ CMND nơi công dân chuyển đến để quản lý, khai thác.
Trường hợp công dân chuyển nơi đăng ký thường trú đến tỉnh, thành phố khác đã được đổi CMND theo địa phương nơi công dân chuyển đến; nếu công dân có đề nghị xác nhận hai số CMND là của cùng 1 người thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi CMND có trách nhiệm xác nhận cho công dân.
2. Cách ghi giấy xác nhận chứng minh nhân dân?
– Mục “Họ, chữ đệm và tên”: Ghi đầy đủ họ, chữ đệm và tên theo giấy khai sinh bằng chữ in hoa đủ dấu;
– Mục “Ngày, tháng, năm sinh”: Ghi ngày, tháng, năm sinh của công dân được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Ngày sinh ghi 02 chữ số; năm sinh ghi đủ bốn chữ số. Đối với tháng sinh từ tháng 3 đến tháng 9 ghi 01 chữ số, các tháng sinh còn lại ghi 02 chữ số;
– Mục “Giới tính”: Giới tính nam thì ghi là “Nam”, giới tính nữ thì ghi là “Nữ”;
– Mục “Dân tộc”: Ghi dân tộc của công dân đề nghị cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân theo giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng nhận dân tộc của cơ quan có thẩm quyền;
– Mục “Quốc tịch”: Ghi quốc tịch của công dân đề nghị cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân theo giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng nhận có quốc tịch Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền;
– Mục “Nơi đăng ký khai sinh”, mục “Quê quán”: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh của công dân. Trường hợp giấy khai sinh không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy khai sinh đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định;