Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ cần xin các loại giấy phép gì? Xác nhận an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh tại địa phương. Thủ tục xác nhận an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh
Xin hỏi chúng tôi muốn làm một quán bán nước giải khát nhỏ để bán cho khách tới chụp ảnh ở cửa hàng bên bạn thì phải làm những thủ tục gì? Tôi có tìm hiểu thì phải làm hộ kinh doanh, ngoài ra cần xin giấy phép gì khác hay không?
Trả lời
Theo hướng dẫn của nghị định 15/2018/NĐ-CP thì trường hợp quán nước làm dưới hình thức hộ kinh doanh của bạn sẽ được đưa vào đối tượng “cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” giải thích theo khoản 10 điều 3 nghị định 15/2018/NĐ-CP như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau
10. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn tại công văn 3109/BCT-KHCN ngày 20/04/2018 của Bộ Công Thương như sau:
1. Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp khái niệm “kinh doanh” được hiểu “là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Do đó, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Khoản 10 Điều 3, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, tại điều 11 và 15 của nghị định này quy định đối tượng kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thì không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 11. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.
Điều 12. Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
Như vậy, hộ kinh doanh bán nước giải khát không cần xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vẫn phải đáp ứng các điều kiện tại điều 22 Luật vệ sinh an toàn thực phẩm 2010
Điều 22. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau đây:
a) Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
d) Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
đ) Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
h) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với thực phẩm đặc thù trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, các địa phương sẽ có các khái niệm về “kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” riêng bằng các quy chuẩn của địa phương. Do vậy, tuỳ trường hợp hộ kinh doanh vẫn CÓ THỂ phải xin giấy phép an toàn thực phẩm. Trường hợp này sẽ làm tại Phòng y tế thuộc UBND cấp quận, huyện. Khách hàng vui lòng liên hệ địa phương để biết rõ hơn.
Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Hà Nội
Theo quy định tại 28/2022/QĐ-UBND ngày 24/06/2022 của UBND thành phố Hà Nội quy định quản lý và phân cấp an toàn thực phẩm như sau:
Điều 3. Nguyên tắc phân công, phân cấp và phối hợp quản lý an toàn thực phẩm
2. Phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống giữa cấp Thành phố, cấp huyện theo nguyên tắc cấp nào cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì cấp đó quản lý cơ sở đó (trừ các trường hợp: cơ sở theo phân cấp tuyến Trung ương quản lý; hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý).
4. Cơ quan được phân công, phân cấp quản lý cơ sở có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, xác nhận hoặc tiếp nhận bản cam kết an toàn thực phẩm, tiếp nhận bản sao giấy chứng nhận có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cơ sở quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; tuyên truyền phổ biến kiến thức; thanh kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, kiểm nghiệm, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý theo quy định (bao gồm cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có tiến hành hoạt động thương mại điện tử).
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
5. Quản lý, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận và tiếp nhận bản cam kết an toàn thực phẩm, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, tiếp nhận bản sao giấy chứng nhận có xác nhận của cơ sở, cụ thể như sau:
Quản lý và tiếp nhận bản cam kết trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, bao gồm: các bếp ăn tập thể, căng tin tại các cụm công nghiệp, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bệnh viện hạng hai trở xuống, cơ quan tổ chức khác có quy mô từ 50 suất đến dưới 200 suất ăn/một lần phục vụ và cơ sở dịch vụ ăn uống trong khách sạn hai sao trở xuống.
Theo quy định này, tuy quy mô thực tế của hộ kinh doanh mà vẫn có thể cấp:
– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
– Tiếp nhận bản cam kết trách nhiệm về an toàn thực phẩm