Thứ Sáu (29/03/2024)

Tranh chấp “asano, hình” và nhãn hiệu “Asanzo, hình” – Sử dụng nhãn hiệu như thế nào?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Đánh giá vụ tranh chấp nhãn hiệu “asano, hình” và nhãn hiệu “Asanzo, hình” từ đó xem xét việc sử dụng nhãn hiệu như thế nào cho đúng?

Tóm tắt: Tóm tắt bản án bản án số 01/2019/KDTM-PT của tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/01/2019 về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ:

Công ty Đ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (gọi tắt là GCNĐKNH) “Asano, hình” số 107919 ngày 25/8/2008 cho các hàng hóa Nhóm 07: Máy giặt, máy xay sinh tố chạy điện sử dụng trong gia đình, máy ép trái cây chạy điện sử dụng trong gia đình; Nhóm 09: Ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, Nhóm 11: Tủ lạnh, điều hòa không khí, nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng, bếp ga, quạt điện, bình đun nước chạy điện. Năm 2015, Công ty Đ phát hiện trên thị trường có Công ty Cổ phần Điện tử A Việt Nam (gọi tắt là Công ty A Việt Nam) sử dụng nhãn hiệu ASANZO để gắn vào các hàng hóa và dịch vụ Công ty A Việt Nam như ti vi, máy lạnh, máy xay sinh tố và nhiều hàng hóa gia dụng khác với kiểu dáng, mẫu mã nhãn hiệu giống với nhãn hiệu mà Công ty Đđã được đăng ký bảo hộ.

Ngày 13/7/2015, Công ty Đ đã yêu cầu cơ quan thừa phát lại tiến hành lập vi bằng hành vi của Công ty A Việt Nam đã bày bán các sản phẩm của Công ty A Việt Nam như tivi led loại 32 inch, 40 inch, 23 inch.

Ngày 10/8/2015, Công ty Đ đã gửi hồ sơ cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để giám định và đến ngày 18/8/2015, Công ty Đ nhận được kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ khẳng định dấu hiệu ASANZO là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ASANO. Các hàng hóa, phương tiện quảng cáo mà Công ty A Việt Nam vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, bao gồm:

– Dấu hiệu “Asanzo, hình” gắn trên giao diện trang wed có địa chỉ: http://asanzo.com.vn là yếu tố xâm phạm quyền (Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “Asano, hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ;

– Dấu hiệu “Asanzo, hình” gắn trên sản phẩm tivi là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ;

– Dấu hiệu “Asanzo, hình” gắn trên sản phẩm nồi cơm điện là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ;

– Dấu hiệu “Asano, hình” gắn trên sản phẩm nồi áp suất là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ;

– Dấu hiệu “Asanzo, hình” gắn trên sản phẩm bình đun siêu tốc là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ;

– Dấu hiệu “Asanzo, hình” gắn trên biển hiệu (Công ty A Việt Nam và các chi nhánh) là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ;

– Dấu hiệu “Asanzo, hình” gắn trên xe tải (Công ty A Việt Nam) là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình”  được bảo hộ theo GCNĐKNH số 107919 của Công ty Đ.

Sau đó, Công ty Đ gửi văn bản yêu cầu xử phạt hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty A Việt Nam tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân, Hải Quan, Quản lý thị trường .… nhưng tới nay vẫn không nhận được sự phản hồi giải quyết nào từ các cơ quan trên.

Cho tới nay, Công ty A Việt Nam vẫn cố tình sử dụng nhãn hiệu gần giống với nhãn hiệu của Công ty Đ để tiếp tục quảng bá rộng rãi trên các phương tiện đại chúng. Hành động của Công ty A Việt Nam đã xâm phạm đến Công ty Đ về quyền và lợi ích hợp pháp, khiến uy tín của Công ty Đ giảm sút trầm trọng. Do đó, Công ty A Việt Nam vi phạm nên Công ty Đ đã khởi kiện đến Tòa án với yêu cầu Công ty A Việt Nam chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi cải chính công khai, bồi thường thiệt hại, số tiền tạm tính là 500.000.000 đồng, xóa bỏ toàn bộ hàng hóa đang dán nhãn hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, Công ty Đ yêu cầu Tòa án tuyên hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 221067 của Cục S cấp ngày 07/3/2014 cho Công ty A Việt Nam, do nhận thấy nhãn hiệu “Asanzo” cũng chứa đựng yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Asano” của Công ty Đ.

Bị đơn Công ty A Việt Nam trình bày Công ty A Việt Nam không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ do:

– Việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo” của Công ty A Việt Nam là hoàn toàn độc lập và có những khác biệt về cấu tạo, màu sắc, ấn tượng thị giác thính giác giữa hai nhãn hiệu.

– Việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo” của Công ty A Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp bởi Công ty A Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu này theo GCNĐKNH số 221067 của Cục S cấp ngày 07/3/2014, có hiệu lực đến ngày 09/11/2022 cho các nhóm sản phẩm dịch thuộc nhóm 7, 8, 9,1 1, 20, 21 và 35.

Do đó, Công ty A Việt Nam sử dụng nhãn hiệu “Asanzo ” là có cơ sở pháp lý và hoàn toàn không xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Đ. Đồng thời, Công ty A Việt Nam có đơn yêu cầu phản tố là do việc khởi kiện không có căn cứ của Công ty Đ đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và vị thế của Công ty A Việt Nam trên thị trường, làm lung lay niềm tin của khách hàng mà còn làm cho Công ty A Việt Nam phải tiêu tốn thời gian công sức và chi phí. Công ty Đ có văn bản gửi đến các đại lý kinh doanh của Công ty A Việt Nam nhằm thông báo rộng rãi vụ việc cũng như yêu cầu các đại lý cung cấp số liệu kinh doanh nội bộ liên quan đến Công ty A Việt Nam, việc làm này đã làm cho các đại lý, nhân viên của Công ty A Việt Nam hoang mang, lo lắng ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc. Mặt khác, Công ty Đ yêu cầu Tòa án tuyên hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 221067 của Cục S cấp ngày 07/3/2014 cho Công ty A Việt Nam là hoàn toàn vô lý; Nên Công ty A Việt Nam yêu cầu Công ty Đ phải xin lỗi, cải chính công khai và buộc Công ty Đ phải bồi thường thiệt hại với số tiền 300.000.000 đồng.

Quyết định của tòa án
– Đình chỉ yêu cầu đề nghị hủy bỏ hiệu lực GCN NH 221067;
– Chấp nhận một phần yêu cầu của Nguyên đơn, buộc Bị đơn: chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu trên giao diện website, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc Nhóm 07, 09 & 11 đang lưu hành trên thị trường; xóa bỏ nhãn hiệu dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc Nhóm 07, 09 & 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam; xin lỗi, cải chính công khai; và bồi thường thiệt hại một phần yêu cầu của Nguyên đơn.
– Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Bị đơn.

Nhận xét một số vấn đề pháp lý trong bản án
– Việc sử dụng nhãn hiệu cách điệu khác nhãn hiệu tiêu chuẩn không được coi là sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký
– Việc sử dụng nhãn hiệu cách điệu có thể xâm phạm với nhãn hiệu của đối tượng khác (đã được đăng ký)

Quan điểm của các bên liên quan
(i) Viện Khoa học sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ tại Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH335-15YC/KLGĐ ngày 18/8/2015 thể hiện rằng dấu hiệu “Asanzo, hình” ( ) được gắn trên giao diện trang web có địa chỉ http://asanzo.com.vn, sản phẩm tivi, nồi cơm điện, nồi áp suất, bình đun siêu tốc, biển hiệu và trên xe tải có dấu hiệu trùng hoặc tương tự, là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano, hình” ( )12; và
(ii) Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 3374/SHTT-TTKN ngày 06/5/2016 xác định: “Tuy có sự khác biệt ở màu sắc, các chữ cái là phụ âm (thêm chữ Z) và chữ “A” được trình bày đủ nét, nhưng kết hợp chữ và hình trên vẫn tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ” và từ đó kết luận hành vi của Bị đơn là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ.

Tại website Cục SHTT đã có bài viết liên quan là “Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen – trắng và nhãn hiệu màu ở nước ngoài và Việt Nam” theo đó thì thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam cho phép một nhãn hiệu đăng ký ở dạng đen-trắng có thể được sử dụng ở các dạng màu sắc khác nhau, miễn là vẫn giữ nguyên được các nội dung chữ/hình của nhãn hiệu và không xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đen-trắng hoặc màu của người khác đã được đăng ký. Như vậy, trong thực tế, có thể hiểu rằng trong trường hợp một nhãn hiệu đen trắng đã được bảo hộ tại Việt Nam, việc sử dụng một nhãn hiệu màu vẫn được xem là sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ khi và chỉ khi đáp ứng đủ cả hai điều kiện dưới đây:
(i) Điều kiện thứ nhất: giữ nguyên được các nội dung chữ/hình của nhãn hiệu; và
(ii) Điều kiện thứ hai: không xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đen-trắng hoặc màu của người khác đã được đăng ký.

Tuy nhiên, thực tế này mới chỉ giải quyết được một vế của vấn đề, tức là chỉ mới quy định ảnh hưởng của nhãn hiệu đen-trắng đến các phương án màu của nó. Còn chiều ngược lại: một nhãn hiệu màu có thể coi là trùng lặp để tạo quyền ưu tiên cho nhãn hiệu đen-trắng hay có thể làm cơ sở để từ chối nhãn hiệu đen-trắng hay không thì chưa được đề cập tới.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan