Thứ Năm (18/04/2024)

Hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là gì? Trường hợp nào hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ SHCN? Trình tự, thủ tục hủy bỏ văn bằng bảo hộ SHCN?

Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là gì?

Văn bằng bảo hộ SHCN là một trong các tài liệu chứng minh việc được bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ. Theo đó, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là việc hủy bỏ việc bảo hộ đã cấp cho văn bằng bảo hộ. Kể từ ngày hủy bỏ, văn bằng bảo hộ coi như chưa từng được bảo hộ.

Hủy bỏ hiệu lực một phần

Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp,… Nó không phải là một khối thống nhất, mà được tập hợp từ nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn như kiểu dáng công nghiệp được kết hợp từ các yếu tố như màu sắc, đường nét, hình khối, tương quan vị trí,… khi một trong các yếu tố này không còn đảm bảo điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp thì văn bằng bảo hộ sẽ bị hủy bỏ hiệu lực phần không đáp ứng đó.

Hủy bỏ hiệu lực toàn bộ

Văn bằng sẽ bị hủy bỏ hiệu lực toàn bộ khi vi phạm về mặt chủ thể và điều kiện bảo hộ. Về chủ thể, người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; Về điều kiện bảo hộ, đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.

Khi văn bằng bị hủy bỏ hiệu lực, đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận trên văn bằng đó không còn được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ. Muốn được tiếp tục bảo hộ thì đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp phải đáp ứng điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng cũng như chú ý đến việc người nộp đơn có thẩm quyền hay không.

Hủy bỏ hiệu lực VBBH như thế nào?

Theo điều 96 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định như sau:

Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
b) Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này;
c) Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.
2. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ đó không đáp ứng quy định của Luật này về quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ, sửa đổi, bổ sung đơn, bộc lộ sáng chế, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 8 và Chương VII của Luật này;
c) Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
d) Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
đ) Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
e) Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 90 của Luật này.
3. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì toàn bộ hoặc một phần bị hủy bỏ của văn bằng bảo hộ đó không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm cấp văn bằng.
4. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải nộp phí, lệ phí.
Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hiệu là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.
5. Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.
6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này cũng được áp dụng đối với việc hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Bước 1: Xác định loại văn bằng bảo hộ và đánh giá khả năng hủy bỏ văn bằng bảo hộ theo quy định
Bước 2: Kiểm tra về thời hiệu hủy bỏ văn bằng bảo hộ. Đối với VBBH nhãn hiệu, thời hiệu yêu cầu là 5 năm sau khi cấp văn bằng.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo điểm 21.2 thông tư 01/2007/TT-BKHCN như sau:
– Tờ khai yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
– Chứng cứ (nếu có);
– Giấy ủy quyền (trường hợp nộp văn bản yêu cầu thông qua đại diện);
– Bản giải trình lý do yêu cầu (nêu rõ số văn bằng, lý do, căn cứ pháp luật, nội dung đề nghị chấm dứt, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ) và các tài liệu liên quan theo quy định tương ứng tại các điểm 7.2, 22.2 và 22.3 của Thông tư này;
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Thời gian xử lý:
– Thông báo cho chủ văn bẳng bảo hộ: 1 tháng
– Ấn định thời gian trả lời: 2 tháng
– Ra quyết định hủy bỏ hiệu lực VBBH: 3 tháng kể từ khi kết thúc thời hạn trên (có thể gia hạn thêm tối đa 3 tháng nếu chủ VBBH có ý kiến khác).

Lệ phí:
– Lệ phí yêu cầu chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ: 50.000 VNĐ/đối tượng
– Phí thẩm định hủy bỏ VBBH: 180.000 VNĐ/văn bằng
– Phí đăng bạ quyết định hủy bỏ VBBH: 120.000 VNĐ/văn bằng
– Phí công bố quyết định hủy bỏ VBBH: 120.000 VNĐ/văn bằng

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan