Phân biệt cán bộ, công chức, viên chức
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Cán bộ, công chức, viên chức có gì khác nhau? Hướng dẫn phân biệt cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật
Cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vẫn chưa phân biệt được những vị trí này. Thời gian vừa qua AZLAW nhận được nhiều câu hỏi liên quan tới Cán bộ, công chức, viên chức mà người hỏi vẫn chưa phân biệt được các chức danh trên. Vì vậy AZLAW sẽ đưa ra những quy định về chức danh trên để khách hàng tham khảo.
Khái niệm cán bộ, công chức, viên chức
1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Điều 4 khoản 1 Luật cán bộ công chức)
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (Điều 4 khoản 1 Luật cán bộ công chức)
3. Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (Điều 2 luật viên chức)
Xem thêm: Công chức, viên chức có được thành lập công ty?
Phân biệt công chức và viên chức
Công chức được tuyển dụng bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế giữ một công vụ thường xuyên, hoặc nhiệm vụ thường xuyên trong các cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện; trong các cơ quan, đơn vị QĐND (mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp như chuyên viên vi tính, kế toán…); trong các cơ quan, đơn vị công an nhân dân (mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp); trong các cơ quan Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước; trong các bộ và cơ quan ngang bộ; TAND các cấp (Phó chánh án TAND tối cao; chánh án, phó chánh án các tòa chuyên trách, thẩm phán); Viện KSND; tổ chức CT-XH (Mặt trận Tổ quốc VN, Tổng liên đoàn Lao động VN, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên…); trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập… (Theo Nghị định 06/2010/NĐ-CP)
Viên chức (theo Luật Viên chức): Được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý (trừ các chức vụ quy định là công chức). Viên chức là người thực hiện các công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin – truyền thông, tài nguyên môi trường, dịch vụ… như bác sĩ, giáo viên, giảng viên đại học…
Công chức
– Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý.
– Hình thức tuyển dụng: thi tuyển, bổ nhiệm, có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc biên chế.
– Lương: hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo ngạch bậc.
– Nơi làm việc: cơ quan nhà nước, tổ chức CT-XH (Liên đoàn Lao động tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy…).
Viên chức
– Thực hiện chức năng xã hội, trực tiếp thực hiện nghiệp vụ.
– Hình thức tuyển dụng: xét tuyển, ký hợp đồng làm việc.
– Lương: một phần từ ngân sách, còn lại là nguồn thu sự nghiệp.
– Nơi làm việc: đơn vị sự nghiệp và đơn vị sự nghiệp của các tổ chức xã hội./.
Tiêu chí | Cán bộ | Công chức | Viên chức |
Khái niệm | Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008). | Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức CT-XH ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc QĐND mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) | Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (Điều 2 Luật Viên chức 2010) |
Chế độ làm việc | Làm việc theo nhiệm kỳ đã được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm. | Làm công việc công vụ mang tính thường xuyên. | Làm việc theo thời hạn của hợp đồng làm việc |
Biên chế và chế độ tiền lương | Trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. | Trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. | Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Không còn biên chế suốt đời nếu được tuyển dụng sau ngày 01/7/2020 trừ trường hợp Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. (Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) |
Các chế độ bảo hiểm | Phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT (Điều 2 Luật BHXH 2014, Khoản 6 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014) | Phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT (Điều 2 Luật BHXH 2014, Khoản 6 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014) | Phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT (Điều 2 Luật BHXH 2014, Khoản 6 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014) |
Hình thức xử lý kỷ luật | – Khiển trách. – Cảnh cáo. – Cách chức. – Bãi nhiệm. (Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP) | *Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: – Khiển trách. – Cảnh cáo. – Hạ bậc lương. – Buộc thôi việc. *Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: – Khiển trách. – Cảnh cáo. – Giáng chức. – Cách chức. – Buộc thôi việc. (Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP) | *Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý: – Khiển trách. – Cảnh cáo. – Buộc thôi việc. *Đối với viên chức quản lý: – Khiển trách. – Cảnh cáo. – Cách chức. – Buộc thôi việc. (Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP) |
Tập sự | Không phải tập sự. | – 12 tháng với công chức loại C. – 06 tháng với công chức loại D. (Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP) | – 12 tháng nếu yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Đối với bác sĩ là 09 tháng; – 09 tháng nếu yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng; – 06 tháng nếu yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp. (Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP) |
Làm việc tại công ty có vốn nhà nước có được coi là viên chức? Các công ty cổ phần có vốn nhà nước đã được cổ phần hoá hoạt động theo luật doanh nghiệp 2020 theo đó: cách thức hoạt động và cơ cấu tổ chức trong công ty được quy định theo luật doanh nghiệp. Vì vậy, có thể chia ra 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người lao động làm việc tại công ty dưới tư cách quản lý, đại diện phần vốn nhà nước trong công ty có thể coi là viên chức nếu được điều chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý hoặc thực hiện công việc tại công ty
Trường hợp 2: Người lao động được tuyển dụng tại công ty và hưởng lương của công ty thì không được coi là viên chức theo quy định trên
Như vậy, để xác định người lao động trong công ty có vốn nhà nước có phải là viên chức hay không cần xem xét về cách thức làm việc của người lao động đó như thế nào (qua tuyển dụng hay điều chuyển…)