Thứ sáu (11/10/2024)

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Ví dụ về đơn vị sự nghiệp công lập?

Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đóng vai trò quan trong trong đời sống hằng ngày của chúng ta, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công nhằm nhằm mục đích cung cấp những dịch vụ công thiết thực bảo đảm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác. Vậy đơn vị sự nghiệp công lập được hiểu như thế nào?

Khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010 quy định về đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

Điều 9. Đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).
3. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều này đối với từng lĩnh vực sự nghiệp; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, trừ đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế và giáo dục; chế độ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả
4. Căn cứ điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực, Chính phủ quy định việc thành lập, cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ hoặc thuộc cơ quan thuộc Chính phủ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật và đặt trụ sở ở nước ngoài.

Ví dụ:
– Trường Đại học Kinh tế Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập.
– Bệnh viện 115 trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp công lập…

Nói đến vấn đề tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có thể hiểu tự chủ về những mặt sau:
– Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện;
– Tự chủ về tổ chức bộ;
– Tự chủ về nhân sự;
– Tự chủ về giá, phí dịch vụ;
– Tự chủ về tài chính.

Xem thêm: Viên chức là gì?

Việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc loại nào căn cứ vào nhiều yếu tố như:
– Mức độ tự chủ về tài chính và khả năng đảm bảo hoạt động;
– Cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;
– Đặc điểm, tính chất của từng ngành, lĩnh vực hoạt động sự nghiệp;
– Điều kiện thực tế;
– Yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp cũng như trình độ, năng lực quản lý tại các đơn vị này.

Trong những năm qua có những quy định thay đổi khá nhiều liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể là tại Nghị định 55/2012/NĐ-CP đã quy định tách bạch việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, không quy định chung với cơ quan hành chính, đồng thời bãi bỏ những quy định trước đây trái với Nghị định số 55/2012/NĐ-CP.

Nghị định số 55/2012/NĐ-CP cũng quy định một trong những điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp là “ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập”. So với quy định trước thì đây cũng là một điểm mới góp phần thúc đẩy đơn vị sự nghiệp tự chủ hoạt động, khắc phục tình trạng ỷ lại, dựa dẫm vào nhà nước của phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

Thêm vào đó, đã có sự phân cấp lại thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp. Nhà nước luôn không ngừng đề ra các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tốt chính sách xã hội của Nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong toàn bộ nền kinh tế.

Mục đích xây dựng đơn vị sự nghiệp công lập

Tại Điều 10 Luật Viên chức 2010 quy định về chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức như sau:

Điều 10. Chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức
1. Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp những dịch vụ công mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm chủ yếu bảo đảm nhằm phục vụ nhân dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác mà khu vực ngoài công lập chưa có khả năng đáp ứng; bảo đảm cung cấp các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục tại miền núi, biên giới, hải đảo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Chính phủ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo việc lập quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xác định lĩnh vực hạn chế và lĩnh vực cần tập trung ưu tiên phát triển, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp. Không tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận.
3. Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập; tách chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan