Thứ sáu (04/10/2024)

Người có liên quan trong doanh nghiệp

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Người có liên quan trong doanh nghiệp là gì? Xác định người có quyền và lợi ích liên quan như thế nào?

Theo quy định tại điều 4 luật doanh nghiệp 2020 giải thích khái niệm người có liên quan như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
23. Người có liên quan là cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;
b) Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;
c) Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;
d) Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;
đ) Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;
e) Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;
g) Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.

Theo quy định tại khoản 2 điều 164 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc công khai các lợi ích liên quan của thành viên trong công ty:

Điều 164. Công khai các lợi ích liên quan
2. Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai cho công ty về các lợi ích liên quan của mình, bao gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ làm chủ hoặc sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm làm chủ, sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó;
b) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ;

Mặt khác tại điểm b và đ khoản 23 điều 4 luật doanh nghiệp 2020 quy định người có liên quan là người có quan hệ trực tiếp và gián tiếp với doanh nghiệp: Theo đó, trong một số trường hợp cá nhân có quyền và lợi ích liên quan thì không có quyền biểu quyết trong công ty. Điều này đã được bộ kế hoạch đầu tư trả lời tại công văn số 6167/BKHĐT-PTDN ngày 04/09/2018 (trả lời theo luật 2014).

Những giao dịch có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị

Tại khoản 2 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng quản trị như sau:

Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan
1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:
a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.

Nếu giao dịch, hợp đồng thuộc các trường hợp giao dịch với người có liên quan đã nêu trên thì người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch có trách nhiệm phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.

Những giao dịch có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông

Tại khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định những trường hợp giao dịch với người có liên quan phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận gồm: Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.

Nếu giao dịch, hợp đồng thuộc các trường hợp giao dịch với người có liên quan đã nêu trên  thì người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.  

Những cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch thuộc trường hợp trên không có quyền biểu quyết.

Hậu quả pháp lý khi giao dịch với người có liên quan

Theo khoản 4 Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020, những giao dịch với người liên quan sẽ có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu và xử lý theo quy định pháp luật nếu không thực hiện các chấp thuận giao dịch, hợp đồng như đã nếu trên.

Những người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Vì vây, khi giao dịch, hợp đồng các công ty cổ phần, người đại diện ký kết cần lưu ý đối tượng giao dịch có thuộc các trường hợp giao dịch với người có liên quan hay không. Để từ đó, thực hiện các quy định cho phù hợp.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan