Thứ năm (19/09/2024)

Vợ, chồng có được lập di chúc chung?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Tôi có thắc mắc mong luật sư tư vấn giúp có phải hiện nay đã bỏ quy định về việc lập di chúc chung của vợ chồng? Bây giờ tôi và chồng tôi muốn lập di chúc chung thì có được không?

Xin chào luật sư, tôi có thắc mắc mong luật sư tư vấn giúp có phải hiện nay đã bỏ quy định về việc lập di chúc chung của vợ chồng? Bây giờ tôi và chồng tôi muốn lập di chúc chung thì có được không? Mong nhận được phản hồi sớm của luật sư.

Trả lời

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới AZLAW, đối với vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau: Bộ luật dân sự 1995 và 2005 đều ghi nhận và có quy định về di chúc chung của vợ chồng. Từ 01/01/2017 Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thì đã bãi bỏ quy định về vấn đề này. 

Xem thêm: Di chúc là gì?

Theo đó, có thể hiểu rằng di chúc được lập bởi cá nhân và thể hiện ý chí, mong muốn quyền định đoạt của cá nhân đó đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của họ, hơn nữa pháp luật chỉ quy định di chúc thể hiện ý chí của cá nhân mà không có quy định bắt buộc di chúc thể hiện ý chí của riêng một cá nhân. Mà vợ, chồng đều là cá nhân nên khi đó di chúc có thể thể hiện cả ý chí của cả vợ và chồng nhưng di chúc đó phải đáp ứng các điều kiện theo như quy định của pháp luật.

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể nào về việc cấm vợ chồng lập di chúc chung nhưng cũng không có quy định nào ghi nhận một cách rõ ràng về giá trị pháp lý của di chúc chung vợ chồng do đó để đảm bảo giá trị pháp lý của di chúc thì trường hợp này vợ chồng bạn có thể lập di chúc riêng nhưng tự nguyện ràng buộc nhau bằng quy định tại điều 661 Bộ luật dân sự về việc hạn chế phân chia di sản:

Điều 661. Hạn chế phân chia di sản
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Như vậy, việc lập di chúc chung của vợ chồng của vợ chồng bạn có thể thực hiện gián tiếp bằng cách áp dụng theo cơ chế đồng sở hữutheo ý chí của người lập di chúc có thể xác định thời hạn của chia di sản là sau khi đồng chủ sở hữu cuối cùng chết hoặc tại thời điểm tất cả đồng chủ sở hữu cùng chết.


Tại Bản án dân sự sơ thẩm 33/2020/DS-PT ngày 19/05/2020 về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có nội dụng như sau:

“Ông H và bà T có chung với nhau 06 người con là Cao Thị Y, sinh năm 1970, Cao Ngọc K, sinh năm 1972, Cao Ngọc S, sinh năm 1974, Cao Ngọc H, sinh năm 1976, Cao Thị Kim T, sinh năm 1979, Cao Ngọc N, sinh năm 1981. Ngày 01/9/2003 ông H, bà T có lập bản di chúc chung của vợ chồng để chia đất cho các con. Tháng 12/2005 ông H bị bệnh chết; nay do anh H đối xử không tốt với bà T, nên bà đòi lại ½ diện tích 93,8 m2 đất chia cho anh H (= 46,9 m2) là phần đất trong di chúc chung của bà và ông H, vì phần di chúc chung của bà với ông H chưa có hiệu lực.
Anh H xin được trả cho bà T bằng tiền theo giá chuyển nhượng thực tế tại địa phương đã định giá; lý do, nếu trả cho bà T bằng đất, thì diện tích đất mà anh được hưởng thừa kế của ông H không đủ kích thước để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang công nhận sự thỏa thuận của Bà Ngô Thị T với vợ chồng anh H.

Thừa kế là một chế định trong luật dân sự, thừa kế theo di chúc chung của vợ chồng là một vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay, khi mà cha mẹ muốn để lại tài sản cho con, cháu. Di chúc được hiểu là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết.

Tại Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Theo đó, di chúc chung của vợ chồng được thiết lập trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ tài sản dựa trên sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản của vợ chồng. Đây là sự thoả thuận của các bên không nhằm làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của bên kia mà nhằm thống nhất ý chí chung của hai bên vợ, chồng trong việc định đoạt tài sản chung cho bên thứ ba và phân định tài sản cho người thừa kế cũng như việc thực hiện các quyền khác của người lập di chúc. Tuy nhiên, muốn sửa đổi di chúc chung cần có sự đồng ý của hai bên, nếu không một bên sửa đổi thì chỉ có quyền sửa đổi phần tài sản thuộc sở hữu của mình.

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết“. Do sự khó khăn trong quá trình thực hiện di chúc chung trên thực tế, Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định vợ chồng có được lập di chúc chung hay không. Có thể hiểu, quy định trên thể hiện di chúc là ý chí của cá nhân chứ không bắt buộc là ý chí của một cá nhân, từ đó nhận định luật không cấm việc lập di chúc chung của vợ chồng. Do đó, di chúc chung vẫn có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện như quy định tại Điều 630 về di chúc hợp pháp.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp này, vợ chồng ông H và bà T lập di chúc chung định đoạt tài sản, do ông H mất trước thì phần di chúc của ông trong di chúc chung đã phát sinh hiệu lực, phần di chúc của bà T thì chưa. Do đó, bà T chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình mà không có quyền thay đổi nội dung di chúc liên quan đến phần di sản của ông H đã được định đoạt trong di chúc chung trước đó. Tòa án công nhận thỏa thuận giữa bà T và anh H là hợp lý.

Như vậy, pháp luật không có quy định cấm việc lập di chúc chung vợ chồng, Tuy nhiên để có thể đảm bảo được tính khách quan và dễ dàng cho những người được hưởng di sản thừa kế thì vợ chồng không nên lập di chúc chung.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan