Thứ năm (12/09/2024)

Giá trị pháp lý của bản cam kết

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Bản cam kết có giá trị pháp lý hay không? Có thể dùng bản cam kết để khởi kiện được hay không?

Bản cam kết có giá trị pháp lý hay không? Có thể dùng bản cam kết để khởi kiện được hay không? Trong bài viết này AZLAW sẽ giải thích giá trị pháp lý của bản cam kết theo quy định pháp luật.

Trong một số giao dịch dân sự các bên tham gia giao dịch thường thỏa thuận đưa ra nội dung cam kết để tránh những tranh chấp phát sinh cũng như những rủi ro khách quan không lường trước. Tại điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 116. Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Cam kết có thể là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng, có thể do 1 bên cam kết hoặc hai bên thoả thuận với nhau cam kết về một vấn đề. Nội dung cam kết thể hiện ý chí tự ràng buộc của người viết cam kết với điều khoản đã cam kết. Trong một số trường hợp người có quyền đưa ra yêu cầu buộc người cam kết phải thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ dân sự, trường hợp không thực hiện hoặc vi phạm cam kết, gây thiệt hại cho phía người có quyền yêu cầu thì người cam kết phải bồi thường.

Bản cam kết có giá trị pháp lý khi nào?

Bản cam kết là giao dịch dân sự, do vậy bản cam kết có giá trị pháp lý khi đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo điều 117 Bộ luật dân sự 2015 gồm 3 điều kiện:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Xem thêm: Khái niệm, định nghĩa giao dịch dân sự

Như vậy, nếu tờ cam kết vi phạm một trong các điều kiện trên thì sẽ không có hiệu lực.

Điều kiện về chủ thể của giao dịch

Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Chủ thể viết cam kết có thể là cá nhân, pháp nhân

Đối với cá nhân:
– Người thành niên được quyền xác lập mọi giao dịch dân sự
– Người dưới 6 tuổi: Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
– Người mất năng lực hành vi dân sự: Giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
– Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của họ phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

Đối với pháp nhân
– Pháp nhận thực diện giao dịch dân sự bằng tài sản của mình thông qua người đại diện.
– Điều kiện về tự nguyện tham gia giao dịch

Nguyên tắc tự nguyện thoả thuận bắt buộc phải có trong giao dịch dân sự và là yếu tố nhận diện quan hệ dân sự: “2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”

Nếu chủ thể tham gia không tự nguyện viết giấy cam kết, giấy cam kết sẽ bị vô hiệu theo điều 124, 125, 126, 127 bộ luật dân sự 2015

Xem thêm: Giao dịch dân sự vô hiệu

Điều kiện mục đích và nội dung của giao dịch

Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Điều kiện về hình thức giao dịch

Cam kết có thể được lập dưới những hình thức sau:
– Cam kết thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
– Cam kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
– Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
– Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Xử lý bản cam kết vô hiệu

Cam kết nói riêng và giao dịch dân sự nói chung bị vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Pháp luật dân sự quy định rõ khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Các câu hỏi thường gặp

1. Cam kết bán đất viết tay có giá trị pháp lý không? Theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 167 luật đất đai, “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
Như vậy bản cam kết bán đất viết tay không công chứng, chứng thực sẽ không có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo điều 129 BLDS 2015, “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”.

2. Cam kết trả nợ có giá trị pháp lý không? Các giao dịch về  vay mượn tài sản (tiền) không có quy định riêng về hình thức giao dịch nên giấy cam kết trả nợ viết tay vẫn có hiệu lực.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan