Thứ Năm (25/04/2024)

Góp vốn bằng phần mềm như thế nào?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Phần mềm (chương trình máy tính) là một trong các tài sản trí tuệ của con người. Do vậy, việc góp vốn bằng phần mềm cũng có thể thực hiện được. Vậy, việc góp vốn bằng phần mềm cần điều kiện gì và thủ tục thực hiện như thế nào?

Góp vốn bằng phần mềm là một trong những vấn đề khá mới tại Việt Nam. Việc góp vốn bằng phần mềm có thể thực hiện được hay không? Nếu được thì việc góp vốn sẽ thực hiện như thế nào?

Có thể góp vốn bằng phần mềm hay không?

Theo quy định tại khoản 1 điều 34 luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Quy định tại luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) sau đây gọi là luật sở hữu trí tuệ quy định như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu
Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Theo quy định trên phần mềm chính là chương trình máy tính là một trong những đối tượng của quyền tác giả. Do vậy, việc sử dụng quyền tác giả của phần mềm là hoàn toàn có thể thực hiện được

Thủ tục góp vốn bằng phần mềm vào doanh nghiệp

Theo quy định của luật doanh nghiệp 2020 để thực hiện góp vốn bằng phần mềm vào doanh nghiệp thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Định giá phần mềm: Việc định giá có thể do cơ sở định giá chuyên nghiệp thực hiện hoặc nội bộ công ty tự định giá theo quy định của luật doanh nghiệp 2020. Nếu tự định giá thì các thành viên định giá sẽ tự chịu trách nhiệm khi có sai sót xảy ra.

Bước 2: Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn: Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn theo quy định tại điều 35 luật doanh nghiệp 2020 như sau:

Điều 35. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Như vậy, việc góp vốn bằng phần mềm sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Nếu phần mềm đã được đăng ký bản quyền tác giả thì chủ sở hữu phần mềm phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phần mềm cho công ty
Trường hợp 2: Nếu phần mềm chưa được đăng ký bản quyền tác giả thì chủ sở hữu phần mềm phải làm biên bản giao nhận tài sản bằng biên bản theo quy định của luật doanh nghiệp

Bước 3: Thực hiện hồ sơ tăng vốn tại phòng ĐKKD (Nếu góp vốn sau khi thành lập doanh nghiệp) trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi. Đối với trường hợp góp vốn khi thành lập doanh nghiệp thì việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sẽ thực hiện sau khi thành lập tối đa là 90 ngày kể từ ngày thành lập doanh nghiệp.

Xem thêm: Thủ tục góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản

Có cần đăng ký bản quyền tác giả trước khi góp vốn không?

Theo quy định tại khoản 1 điều 6 luật sở hữu trí tuệ: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký”.

Ngoài ra, tại khoản 3 điều 49 cũng quy định: “Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này“.

Do vậy, việc đăng ký quyền tác giả không phải là điều kiện bắt buộc để tiến hành góp vốn bằng phần mềm máy tính.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 điều 39 luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, việc góp vốn có thể thực hiện bằng hợp đồng góp vốn giữa tác giả và công ty. Về hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả quy định tại điều 50 luật sở hữu trí tuệ cũng không quy định cụ thể về mặt tài liệu hồ sơ mà chỉ yêu cầu “Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác”.

Xem thêm: Đăng ký bản quyền tác giả

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan